Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản

09:06, 08/06/2012

Nguyễn Kim (đời nhà Mạc) cho người đi tìm con cháu nhà Lê để đồ sự khôi phục. Ông đem binh tiến đánh Sơn Nam, đi đến huyện Yên Mộ bị người Dương chấp Nhất là hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết, binh quyền giao cả lại cho con rể là Trịnh Kiểm.

Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hóa lập hành điện ở đồn Vạn Lại để cho vua ở, rồi chiêu mộ những kẻ hào kiệt luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo để lo việc đánh Mạc.

Sau khi vua Lê Trang Tôn chết, Trịnh Kiểm lập thái tử tên Duy Huyên lên làm vua tức Trung Tôn, nhưng được 8 năm thì mất.

Vua Trung Tôn mất, không có con, vả lại bấy giờ dòng dõi họ Lê không còn ai, việc binh quyền ở trong tay Trịnh Kiểm cả.

Trịnh Kiểm do dự muốn tự xưng làm vua nhưng chưa dám định hẳn bề nào. Các quan cũng chẳng có ý quyết định. Bấy giờ, Trịnh Kiểm lén cho người ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (tức là Trạng Trình), xem nên làm thế nào? Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả, chỉ ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng:

- Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ.

Nói rồi, ông lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương để ông ra viếng chùa; lại bảo tiểu rằng:

- Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản.

Sứ giả về kể chuyện lại cho Trịnh Kiểm nghe, Trịnh Kiểm hiểu ý mới cho người đi tìm con cháu họ Lê. Sau tìm được người cháu huyền tôn của ông Lê Trừ, anh vua Thái Tổ, tên Duy Bang rước về, lập lên làm vua.

Con thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng khi diệt được họ Mạc, thu giang san lại cho nhà Lê rồi thì nắm giữ toàn quyền chính, định lệ cấp bổng cho vua.

Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế lập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh.

Việt sử

Lời bàn: "Lấy hột giống cũ mà gieo mạ" là tìm lấy họ Lê lập lên làm vua. "Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản", nhờ phò nhà Lê, họ Trịnh mới lập nên nghiệp chúa. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thực là một nhà chính trị có tài.

Giữ chùa, thờ Phật mà không chăm sóc, cung kính thì tín đồ ai còn tin tưởng mà đem oản lại dâng cho ăn? Vì thế, họ Trịnh sau khi xưng Chúa, lấn ép quyền vua Lê, đó là một cơ hội để cho Nguyễn Huệ đem binh từ Nam đánh chiếm Bắc Hà dứt họ Trịnh một cách dễ dàng.

Ngay khi Nguyễn Huệ đem binh đánh Bắc Hà để diệt Trịnh cũng lấy danh nghĩa "phò Lê diệt Trịnh" quả thật là một chính trị già giặn./.

Theo Xử thế của cổ nhân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com