Tào Tháo đem binh đánh Viên Thuật, tướng của Viên Thuật là Lý Phong đóng cửa thành không ra. Tào Tháo phải đóng binh tại đấy hơn một tháng, quân đội đến 17 muôn, mỗi ngày tổn phí lương thực rất nhiều.
Bộ hạ là Vương Cấu vào bẩm với Tào Tháo về việc thiếu lương, Tào Tháo bảo:
- Vậy phải lấy hộc nhỏ (giảm suất ăn) phát cho chúng nó đặng quyền đỡ mà cứu khi cấp.
Vương Cấu thưa:
- Như quân sĩ oán trách thì tính làm sao?
- Chừng ấy ta có chước khác.
Vương Cấu y lệnh lấy hộc nhỏ phân phát. Tào Tháo lén cho người thám thính các trại thì nghe quân sĩ oán trách cho là họ bị Tào Tháo khinh bỉ. Tào Tháo hay được tin ấy, đòi Vương Cấu vào, bảo:
- Ta muốn mượn ngươi một vật để trấn tĩnh lòng của chúng quân. Xin ngươi chớ từ.
Vương Cấu hỏi:
- Thừa tướng muốn dùng vật gì?
- Ta muốn mượn cái thủ cấp của ngươi.
Vương Cấu cả kinh, thưa:
- Tôi là người vô tội.
Tào Tháo bảo:
- Nếu chẳng giết ngươi thì lòng dân sinh biến. Nếu ngươi thác rồi ta sẽ nuôi vợ con ngươi đến mãn đời. Xin ngươi đừng lo.
Vương Cấu muốn nói nữa, thì Tào Tháo đã khiến quân đao phủ dẫn ra ngoài cửa mà xử tử. Tào Tháo lại truyền bêu đầu Vương Cấu lên và truyền rao rằng:
“Vương Cấu lấy hộc nhỏ phát lương, gian trộm của quan nên theo quan pháp mà trừng trị”.
Từ ấy lòng quân mới hết thán oán. Và ngay hôm sau, Tào Tháo truyền lệnh cho các tướng phá thành. Nếu trong ba ngày mà phá không được thành thì Tào Tháo sẽ xử tử hết.
Thế rồi Tào Tháo bản thân đến bên thành, đốc quân khiêng đất, lăn đá lấp hào để trèo lên thành. Quân ở trên thành bắn xuống như mưa. Có hai tên tướng của Tào Tháo sợ chết muốn trở ra. Tào Tháo vung gươm chém chết tại chỗ, rồi bản thân bưng đất lấp hào.
Quân sĩ thấy thế đều đua nhau tiến lên trước. Quân trên thành ngăn trở không lại. Quân của Tào Tháo nhảy lên thành, chặt khoá phá cửa cho cả đội đều xông vào.
Kết quả Tào Tháo chiếm được thành.
Tam quốc chí
Lời bàn: Việc làm trên cho thấy Tào Tháo hoàn toàn bị động, chỉ tính cách đối phó với hoàn cảnh gay cấn đương xảy ra, chớ không ngăn ngừa trước khi xảy ra. Thấy thiếu hụt lương lại không mở cuộc đại tấn công sớm chiếm thành, để giải quyết nạn đói cho quân lính. Biết bớt lương quân lính sẽ phản ứng, vậy mà Tào Tháo lại bảo người bớt lương, sau đó phải giết oan một bề tôi trung tín để thực hiện thủ đoạn chính trị gian trá thì quả thực là một hành vi tàn bạo, phát xít.
Bằng sự nhận xét với tư tưởng ngày nay, ta có thể đặt ngược vấn đề của câu chuyện: Bớt lương là một điều phải có không thể tránh được một khi lương đã bị kiệt quệ, nhưng tại sao Tào Tháo không dùng lời nói để động viên tình cảm của binh sĩ; cũng như khi việc đã lỡ vỡ ra, Tào Tháo lại không có can đảm đứng trước ba quân nhìn nhận lấy việc của mình? Biết đâu lời nói tha thiết và hành vi chân thành của Tào Tháo sẽ trấn tĩnh được lòng quân!
Theo Xử thế của cổ nhân