Làng văn hoá xóm Vũ Đình, xã Hải Phú (Hải Hậu). |
Năm 1998, Hải Phú là một trong những xã đầu tiên của huyện Hải Hậu triển khai xây dựng quy chế Nếp sống văn hoá và xóm Mai Quyền được chọn làm điểm xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá. Là vùng quê có truyền thống yêu nước, cách mạng, do đó, bên cạnh các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, Hải Phú đặc biệt chú trọng tới các vấn đề như: Xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng gia đình văn hoá đi đôi với các phong trào "Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc", vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các tai, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Ban chỉ đạo phong trào của xã đã xây dựng các đề án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương như: Đề án trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, phát triển CN-TTCN, dịch vụ thương mại, đề án phát triển xã hội hoá văn hoá, TDTT, xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng gia đình văn hoá, là tiền đề cơ bản để triển khai xây dựng làng văn hoá. Đồng chí Dương Trung Tính, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để các đề án đi vào cuộc sống, Ban chỉ đạo phong trào phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể gắn nội dung của từng đề án vào các buổi sinh hoạt CLB như: CLB Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB không sinh con thứ 3, CLB Thanh niên lập thân, lập nghiệp, CLB Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo… Bằng cách làm sáng tạo và sự phối kết hợp đồng bộ nên phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Hải Phú đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 14/17 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa; 85% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 4/4 trạm y tế, trường học đạt danh hiệu Nếp sống văn hoá cấp tỉnh và đạt chuẩn quốc gia. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9%. Bình quân thu nhập đầu người tăng 2 lần so với trước, số hộ khá giàu chiếm gần 60%.
Đến thăm Hải Phú, được chứng kiến "môi trường văn hóa" và nếp sống thường nhật của nhân dân địa phương mới thấy hết sự vươn lên mạnh mẽ của vùng quê biển trong sự nghiệp đổi mới. Cả 17 xóm của Hải Phú đều lấy tên liệt sỹ tiêu biểu của quê hương để đặt tên cho xóm. Điều đó đã khơi gợi, động viên chi bộ Đảng, các đoàn thể và nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của người dân nơi đây được kết tinh bởi chính từ sự nâng niu, trân trọng của mỗi người, mỗi cá nhân đối với từng giá trị trong cuộc sống.
Quán triệt chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, Ban chỉ đạo phong trào xã Hải Phú đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT ở cơ sở. Từ năm 1998 đến năm 2006, cả 17/17 xóm trong xã đã xây dựng nhà văn hóa với kinh phí từ 200 đến 350 triệu đồng/nhà văn hóa. Điều ghi nhận là trong phong trào xây dựng nhà văn hoá nói riêng và các phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, yếu tố chất lượng luôn được người dân coi trọng. Nhà văn hoá xóm Trần Hòa là một địa chỉ điển hình tiêu biểu của phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Buổi tối, nhà văn hoá sinh hoạt kín cả tuần, khi họp chi Hội Người cao tuổi, chi Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Thanh niên… Thông qua các hoạt động CLB, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao những năm qua ở xóm Trần Hòa phát triển mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới.
Với tinh thần đại đoàn kết, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Phú sẽ vững tiến trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng nông thôn mới và phát triển, xứng đáng với truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương.
Bài và ảnh: Việt Thắng