Tranh đồ họa về chất độc da cam Việt Nam lần đầu được triển lãm tại Pháp

04:08, 13/08/2021

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt nam (10-8-1961 - 10-8-2021), vừa qua tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) ở Paris, Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF) phối hợp với tổ chức Collectif Vietnam Dioxine khai mạc triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam do họa sĩ Trâm Anh thực hiện. Đây là lần đầu tiên chủ đề da cam được thể hiện bằng hình thức này và triển lãm tại Pháp.

Người dân Pháp tới xem triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam Việt Nam. Ảnh: Thu Hà/Vietnam+

Người dân Pháp tới xem triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam Việt Nam.

Ảnh: Thu Hà/Vietnam+

Bằng phương pháp kể truyện tranh kết hợp với đồ họa, họa sĩ trẻ Trâm Anh - một Việt kiều tại Pháp đã tái hiện thành công thảm họa chất độc da cam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, những miền đất bị tàn phá, những nạn nhân mang trong mình nỗi đau với hình hài biến dạng, những cuộc đấu tranh giành công lý và cả sự chung tay, trợ giúp của bạn bè Pháp và Việt kiều để xoa dịu nỗi đau da cam. Triển lãm cũng là dịp để giới thiệu các dự án tín dụng nhỏ được triển khai nhằm giúp đỡ các gia đình khuyết tật ở vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam của Quảng Bình với sự tham gia của các hội đoàn UJVF, Zebunet, FORIM và Song Viêt.

Tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19.

Trong đó, có các chương trình nghệ thuật sẽ được ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình phục vụ nhân dân và các chương trình nghệ thuật online trên nền tảng livestream trên các nền tảng số. Mục đích của kế hoạch là xây dựng chuỗi chương trình nghệ thuật nhằm cổ vũ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua đại dịch; khơi dậy ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sĩ  để sáng tác các tác phẩm mới về đề tài phòng, chống dịch COVID-19, lan toả trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các chương trình nghệ thuật phải đặc sắc, phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, có sự hỗ trợ, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương, các nghệ sĩ để chương trình nghệ thuật tạo được hiệu ứng lan toả nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, thống nhất đồng bộ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện…

Thu gần 37 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong quý II năm 2021

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện là đại diện duy nhất - thành viên của CISAC đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư sụt giảm… điều này đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đứng trước những thách thức ấy, ngay từ đầu năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã đổi mới công nghệ, tiệm cận gần hơn với xu hướng thế giới bằng nhiều hoạt động giao lưu, kết nối trực tuyến. Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Trung tâm đã sớm có biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng thời vẫn giữ được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tổng số tiền tác quyền thu được trong quý II năm 2021 là gần 37 tỷ đồng./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com