Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên vừa ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND nhằm rà soát, đánh giá lại hiện trạng các điểm di tích; xác định rõ ranh giới phạm vi đất di tích cần được khoanh vùng, bảo vệ; thực hiện cắm mốc bảo vệ di tích đồng thời phục vụ lập hồ sơ pháp lý liên quan đến các điểm di tích. Di tích lịch sử Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Trong quần thể di tích có 45 điểm di tích thành phần nằm trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ và hai huyện: Điện Biên, Tuần Giáo.
Du khách tham quan khu di tích đồi A1. |
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, vì vậy Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ luôn đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại và xuống cấp. Nhiều điểm di tích trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ có nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ của di tích. Trong giai đoạn 2023-2026, Điện Biên sẽ dành hơn 130 tỷ đồng để thực hiện dự án Khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các điểm di tích thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Thừa Thiên - Huế xây dựng thương hiệu “Kinh đô áo dài”
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quyết định số 2065/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất cố đô và văn hóa Việt Nam. Đề án hướng tới mục tiêu chung là tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển áo dài Huế, áo dài Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể: khuyến khích từng bước đưa áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống; tổ chức Ngày hội Áo dài Huế trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng, được tổ chức định kỳ 2 lần/năm, là điểm nhấn của các kỳ lễ hội tại Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế. Ngoài ra, Đề án còn xây dựng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài. Từ đó, xây dựng áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ nhu cầu của cộng đồng du khách.
Ra mắt phim tài liệu “Con đường đã chọn”
Nhiều tư liệu, hình ảnh quý cũng được giới thiệu trong phim "Con đường đã chọn". |
Điện ảnh Quân đội Nhân dân giới thiệu bộ phim tài liệu “Con đường đã chọn” về cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với sự tham gia của nhiều thế hệ đạo diễn quân đội. Bộ phim tài liệu “Con đường đã chọn” gồm 22 tập phim, được Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện trong khoảng thời gian 4 năm (2018-2021). Ý tưởng của bộ phim khởi nguồn từ sự trăn trở về cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc đã lùi xa gần nửa thế kỷ; hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải; giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng cũng đã lùi xa vài chục năm; nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các vị tướng lĩnh cầm quân, nhân chứng của các thời kỳ lịch sử oai hùng và bi tráng đó đến nay đã dần mất đi… Đồng thời, bộ phim cũng xuất phát từ nhu cầu cần có những tác phẩm điện ảnh tài liệu phản ánh một cách có hệ thống, với cái nhìn chính sử, khách quan về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.
PV