Trung tâm Hoạt động văn hoá - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa công bố kế hoạch khôi phục giá trị hồ Văn thuộc khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Hồ Văn trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chuẩn bị được tôn tạo, khôi phục giá trị. |
Cụ thể, trong tháng 7 này, sẽ khởi công công trình phục dựng phương đình và tôn tạo gò Kim Châu trong khu vực hồ Văn. Hồ Văn là một bộ phận quan trọng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tổng diện tích hồ Văn là 12 nghìn m2, gồm sân vườn, đường dạo và một gò nổi giữa hồ (gò Kim Châu).Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, không gian này nhiều lần bị hoang hóa, xâm phạm, lấn chiếm, khiến việc bảo tồn, phát huy giá trị gặp khó khăn.Trong lịch sử, trên gò Kim Châu có một toà phương đình, là nơi bình văn, bình thơ của nhiều văn nhân thời xưa.
Tuy nhiên, kiến trúc này đã bị phá huỷ. Trung tâm Hoạt động văn hoá - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ phục dựng phương đình theo tiêu chí là kiến trúc duy nhất trên gò, nằm ở vị trí trung tâm trên trục thần đạo của tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với kiến trúc đã được các nhà khoa học thống nhất thông qua.
Chợ tình Khâu Vai trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL về việc đưa “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai”, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chợ tình Khâu Vai từ khi hình thành đến nay hơn 100 năm, đây là phiên chợ tình nổi tiếng ở tỉnh Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang gần 200km. Cứ vào ngày 27-3 âm lịch hàng năm, phụ nữ ở đây lấy ra bộ trang phục đẹp nhất, đàn ông sẽ diện cho mình một bộ đồ tươm tất nhất để cùng đến điểm hẹn chợ tình Khâu Vai.
Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút du khách nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27-3.
Ngày hội văn hoá dân tộc Mông lần thứ III sẽ diễn ra tại tỉnh Lai Châu
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày tháng 9-2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu có sự tham gia của 14 tỉnh gồm: Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông/Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội văn hoá dân tộc Mông lần thứ III dự kiến sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng gồm các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng của dân tộc Mông; trình diễn trang phục dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội; thi giã bánh giầy; triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu./.
PV (tổng hợp)