Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) và mừng Xuân Canh Tý 2020, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng triển lãm chuyên đề “Mùa xuân vĩnh viễn”.
Triển lãm giới thiệu 59 tác phẩm nghệ thuật về đề tài mừng Đảng, mừng Xuân của 54 tác giả thuộc nhiều thế hệ, từ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật Kháng chiến tới thời nay (Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, Ngô Tôn Đệ, Nguyễn Nghĩa Duyện, Nguyễn Lương Tiểu Bạch...), gồm nhiều thể loại đa dạng (hội họa, đồ họa, điêu khắc…) và chất liệu phong phú (sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước, bột màu, khắc gỗ, tượng đồng, gỗ).
Tác phẩm "Mùa xuân vĩnh viễn" của Lê Đức Biết. (Ảnh: BTC cung cấp) |
Triển lãm “Mùa xuân vĩnh viễn” phản ánh những cách nhìn và biểu đạt đa dạng của nhiều thế hệ họa sĩ, nhưng tựu chung lại là tình cảm nồng thắm các họa sĩ dành cho mùa xuân, cho Đảng, cho đất nước; nhiều tác phẩm ca ngợi Đảng như Kết nạp Đảng trong tù (Nguyễn Đức Nùng), Bất khuất (Hứa Tử Hoài)…
Bằng ngôn ngữ tạo hình riêng biệt, người nghệ sĩ ghi lại những dấu ấn lịch sử, thể hiện cái nhìn gần gũi, lạc quan trước những đổi thay, phát triển của đất nước và con người trong không khí mùa xuân tươi vui, trọn vẹn, trong sự vận động không ngừng để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Triển lãm “Mùa xuân vĩnh viễn” mang ý nghĩa sâu sắc sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp xuân mới. Triển lãm mở cửa miễn phí từ ngày 16-1 đến hết ngày 28-2-2020 tại Phòng Trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Miền địa linh nhân kiệt
Từ ngày 14-1 đến 30-4-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trưng bày chuyền đề “Vĩnh Phúc - Miền địa linh nhân kiệt”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); 70 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1950 - 12/2/2020).
Trưng bày gồm bốn phần chính: Vĩnh Phúc - miền đất “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú”; Vĩnh Phúc - miền quê mang đậm các giá trị văn hóa Việt cổ; Vĩnh Phúc - vùng đất “Sáng danh nhân tài kiệt xuất”; Vĩnh Phúc - vùng đất anh hùng, năng động sáng tạo, phát triển. Trưng bày giới thiệu hơn 300 hiện vật, tài liệu, hình ảnh được trưng bày khoa học, chân thực, thẩm mỹ và sinh động giới thiệu Vĩnh Phúc xưa và nay, một miền đất địa linh - nhân kiệt, quê hương của người Việt cổ, nơi sản sinh ra các tài danh trên lĩnh vực học hành, khoa cử; quê hương có truyền thống yên nước, đấu tranh cách mạng, năng động sáng tạo xây dựng đất nước.
Việc tổ chức trưng bày chuyền đề nhằm quảng bá nét đẹp của vùng đất và con người Vĩnh Phúc, cùng các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, du lịch. Đồng thời, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào của người dân Vĩnh Phúc đối với truyền thống lịch sử và cách mạng của mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”.
Triển lãm, trưng bày Bảo vật quốc gia “Mộc bản Chùa Bổ Đà”
Ngày 29-1 (mồng 5 Tết Canh Tý 2020), tại Chùa Bổ Đà, UBND huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Lễ khai mạc triển lãm, trưng bày Mộc bản Chùa Bổ Đà và công bố quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang công nhận điểm du lịch Chùa Bổ Đà.
Trưng bày, giới thiệu Bảo vật Quốc gia Mộc bản Chùa Bổ Đà là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2020. Hoạt động này nhằm lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng những giá trị đặc sắc của bộ Mộc bản cũng như những tinh hoa trong nghệ thuật điêu khắc thời xa xưa, đồng thời góp phần đưa hình ảnh địa danh Chốn tổ Bổ Đà đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân biết được và cảm thấy tự hào, từ đó nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ Bảo vật Quốc gia Mộc bản Chùa Bổ Đà. Đặc biệt hiện nay, Chùa Bổ Đà lưu giữ gần 2.000 ván Mộc bản, do các vị thiền sư phái Lâm Tế tổ chức san khắc ở thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và nhiều đời cao tăng sau này, gồm các kinh điển đại thừa, từ văn bản Hán kinh Phật đến các văn bản chữ Nôm.
Tiêu biểu có các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy, Uy nghi quốc âm. Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa…
Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Âm Bồ Tát, các vị La Hán. Năm 2018, Mộc bản Chùa Bổ Đà được công nhận là Bảo vật Quốc gia./.
PV (tổng hợp)