Nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa “Những ngày Matxcơva tại Hà Nội”, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga vừa tổ chức khai mạc Triển lãm “Nhà thơ Nga vĩ đại A.S. Pushkin.
Cắt băng khai mạc Triển lãm tranh "Nhà thơ Nga vĩ đại A.S. Pushkin - Cuộc đời và thi ca". Ảnh: baochinhphu.vn |
Cuộc đời và Thi ca nhân kỷ niệm 220 ngày sinh của ông. Với hơn 40 bức tranh, triển lãm tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Pushkin, từ thời thơ ấu cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Hình ảnh về những “Người đương thời” của Pushkin- người cùng chí hướng văn chương với ông, bạn bè cũng như người trái chiều với nhà thơ cũng được trưng bày ở triển lãm lần này. Ðồng thời, với những bức tranh này, người xem còn được nhìn ngắm quang cảnh thành phố Matxcơva, St.Petersburg, Tsarskoe Selo cách đây cả thế kỷ. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 8-12 tại 501 Kim Mã (Hà Nội).
Cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu - 2019
Cuộc thi Âm nhạc mùa thu - 2019 được tổ chức từ ngày 30-11 đến ngày 7-12-2019 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Hà Nội).
Cuộc thi là hoạt động nghệ thuật nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; động viên, khuyến khích và tôn vinh các tập thể, cá nhân có công sức, tâm huyết trong việc tìm tòi và tiếp thu những tinh hoa của nền âm nhạc thế giới, làm giầu cho nền âm nhạc Việt Nam. Ðây là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu nghệ thuật đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc cổ điển trong thời gian qua, có những giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng, góp phần định hướng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giảng dạy và biểu diễn nghệ thuật trong những năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
“Mắt trùng khơi”
Ngày 2-12, Nhà Xuất bản Văn học chính thức phát hành cuốn “Mắt trùng khơi” của tác giả Lữ Mai và Trần Thành. Ðây là cuốn sách thể loại tản văn, ghi chép, ảnh có độ dày trên 150 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển đảo như người lính hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển…
Nhân dịp này, nhiều hoạt động bổ trợ cũng sẽ được thực hiện như triển lãm ảnh, tọa đàm, giao lưu, phát động chương trình tặng sách ra biển đảo dịp Tết 2020... Ðặc biệt, Nhà Xuất bản Văn học phối hợp nhóm tác giả giới thiệu Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương. Ðây là Dự án do Nhà Xuất bản ký kết cùng nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành với đối tượng hợp tác sẽ được mở rộng ở các lĩnh vực như thơ, văn xuôi, báo chí, ảnh, lịch... Bên cạnh đó, một triển lãm đặc biệt mang tên “Mắt trùng khơi” với điểm nhấn chuyên về các đôi mắt trên biển là tập hợp ảnh của kỹ sư - nhiếp ảnh gia Trần Thành sẽ ra mắt công chúng.
Hát xẩm trên đường đến với danh hiệu di sản quốc gia
Diễn ra tại Ninh Bình trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 5-12, Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019 do Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình, Cục Văn hóa thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp tổ chức là một trong những hoạt động chuẩn bị cho việc lập hồ sơ đề nghị công nhận xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hát xẩm là môn nghệ thuật truyền thống đã tồn tại ở Việt Nam hơn 700 năm qua, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm tại Ninh Bình lần này có sự tham gia của 15 câu lạc bộ, đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Mỗi câu lạc bộ được tham gia 3 tiết mục (mỗi tiết mục 15 phút), trong đó có cả tác phẩm xẩm cổ và tác phẩm mới, nhiều làn điệu xẩm truyền thống đã được các câu lạc bộ đăng ký dự thi như Xẩm chợ, Xẩm tàu điện, Huê tình diềm huê, Hà liễu, Thập ân, Ba bậc... Dự kiến, sau Liên hoan, tỉnh Ninh Bình sẽ liên kết với một số địa phương lập hồ sơ xin công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho hát xẩm, đồng thời tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm/lần./.
PV (tổng hợp)