Triển lãm đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc với chủ đề “Ánh sáng ASEAN - Một cộng đồng và sự hòa hợp” vừa khai mạc tại Trung tâm Văn hóa châu Á (ACC) ở thành phố Gwangju, tây nam Hàn Quốc, thu hút nhiều khách tham quan nước này và các nước thành viên ASEAN. Tới xem triển lãm, du khách như bước vào một thế giới kỳ ảo với ánh sáng từ hàng trăm chiếc đèn lồng lớn được các nghệ sĩ bố trí khéo léo lên xuống theo nhạc điệu, in hình dưới bóng nước lung linh. Điểm đặc biệt là du khách vừa được chiêm ngưỡng và được tương tác với những tác phẩm nghệ thuật kết hợp truyền thống và hiện đại này.
Theo Ban tổ chức, triển lãm nhằm thể hiện sự kết nối, thắp sáng quan hệ trong tương lai giữa ASEAN và Hàn Quốc bằng nghệ thuật truyền thống tương tác sử dụng các yếu tố văn hóa chung của ASEAN như nước, ánh sáng, đèn lồng, vải... ACC là một tổ chức giao lưu văn hóa và nghệ thuật của châu Á. Đây cũng sẽ là địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc - ASEAN.
Tuần phim Đan Mạch tại Việt Nam
Nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa người dân hai nước Việt Nam và Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Tuần phim Đan Mạch tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuần phim diễn ra từ ngày 26 đến 31-10 tại Hà Nội, giới thiệu tới khan giả sáu bộ phim của Đan Mạch được sản xuất gần đây và giành được nhiều giải thưởng của Đan Mạch cũng như quốc tế. Các phim tham gia Tuần phim bao gồm “Mảnh đất của tôi” của đạo diễn Mactin Zandvliet, từng đoạt giải Phim hay nhất Đan Mạch và được đề cử giải Oscar dành cho phim nước ngoài 2017; “Cuộc săn lùng” của Thomas Viterberg, từng giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes; “Hải tặc” của đạo diễn Tobias Lindholm; “Mẩu chuyện dài” của May el-Toukhy, “Gương nhà chìa khóa” của đạo diễn Michael Noer và “Vượt biển” của Nicolo Donato.
Đêm song tấu violon và piano
Tối 26-10 tới đây, đêm song tấu duy nhất của nghệ sĩ violon người Pháp Régis Pasquier và nghệ sĩ piano người Nhật Yoko Kaneko sẽ diễn ra tại sân khấu L’Espace (Tràng Tiền - Hà Nội). Là chủ nhân của giải Nhất dành cho violon và âm nhạc thính phòng tại Nhạc viện Quốc gia Paris khi chỉ mới 12 tuổi, đến năm 1991, Régis Pasquier lại được công chúng yêu mến và vinh danh với giải thưởng “Nghệ sĩ độc tấu xuất sắc nhất của năm”. Từ năm 1998, Régis Pasquier luôn song hành cùng cây vĩ cầm gần 300 tuổi (ra đời năm 1734) trong các đêm diễn của mình. Cây đàn quý giá này do chính tay nghệ nhân huyền thoại người Ý, Joseph Guarnerius (Del Gesu) chế tác.
Cùng biểu diễn với Régis Pasquier trên sân khấu của L’Espace là cộng sự của ông tại Nhạc viện Quốc gia Paris - nữ giảng viên piano, nghệ sĩ người Nhật Yoko Kaneko. Yoko Kaneko thường xuyên được mời biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế danh tiếng tại nhiều sân khấu lớn trên thế giới như Lucerne, Bilbao, Brussels, Bruges, Berlin, Warsaw, Seoul, Tokyo... Đặc biệt có cảm hứng với cây đàn pianoforte, một nhạc cụ đòi hỏi sự tinh tế, nhạy cảm của người chơi, cô đã thu âm một loạt các tác phẩm của Mozart và Beethoven và nhiều giải thưởng quốc tế đã được trao tặng cho những bản thu này.
Trong đêm song tấu duy nhất tại sân khấu L’Espace, hai tài năng piano và violon danh giá này sẽ giới thiệu những tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc Pháp vĩ đại cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như Gabriel Fauré, Claude Debussy, Maurice Ravel & César Franck.
400 tác phẩm dự thi sáng tác biểu tượng vui cho SEA Games 31
Theo thông tin từ ban tổ chức, tham gia cuộc thi sáng tác Mascot của SEA Games 31 năm 2021 có 400 tác phẩm của 99 tác giả chuyên (họa sĩ) và không chuyên (người yêu thích thể thao) khắp nơi trên cả nước. Khác với các lần tổ chức cuộc thi Mascot cho các sự kiện Thể thao lớn diễn ra trước đó do Việt Nam đăng cai tổ chức, ở cuộc thi lần này ban tổ chức đã mở rộng phạm vi và đối tượng tham dự, chính vì vậy số lượng tác phẩm tham dự tăng lên, với các nội dung, ý tưởng đa dạng, phong phú.
Mascot cho SEA Games 31 sẽ được lựa chọn dựa trên các tiêu chí mang hình ảnh vui của 1 hoặc nhiều con vật của đất nước Việt Nam, được nhân cách hóa, có hình dáng vui nhộn (được các tác giả thể hiện mẫu trên bản giấy, sau khi được chọn sẽ chuyển thể làm hiện vật thành hình gấu bông theo đúng bản vẽ mẫu). Hình ảnh và hiện vật này sẽ được sử dụng tuyên truyền quảng bá về SEA Games 31 cũng như làm quà tặng cho Đại hội. Đây là cuộc thi rất ý nghĩa mang tầm quốc gia hướng đến sự kiện Thể thao quan trọng của đất nước nói riêng và của toàn khu vực Đông Nam Á nói chung. Đặc biệt, Việt Nam đã từng tổ chức thành công khá nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn, do đó việc lựa chọn được Mascot cho mỗi sự kiện là điều không phải mới mẻ, song lại là điều cần thiết và quan trọng lúc này giúp cho Việt Nam đẩy nhanh, mạnh hơn công tác tuyên truyền về SEA Games 31 được hiệu quả. Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới chính là Việt Nam nhận cờ đăng cai SEA Games 31 tại Philippines sau khi SEA Games 30 khép lại vào giữa tháng 12 tới đây./.
PV (tổng hợp)