Triển lãm ảnh Báo chí thế giới

07:06, 22/06/2018

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan, từ ngày 16-6 đến 6-7, tại Trường Đại học Mỹ thuật (Hà Nội) diễn ra Triển lãm ảnh Báo chí thế giới.

 Rất đông khán giả đến xem buổi khai mạc. Ảnh: VIỆT VĂN
Rất đông khán giả đến xem buổi khai mạc.

Triển lãm trưng bày 130 tác phẩm từ cuộc thi ảnh báo chí thế giới lần 61 với các chủ đề như: môi trường, tin tức, tự nhiên, thể thao... Một số tác phẩm được chọn lọc trưng bày gồm: Venezuela Crisis (Cuộc khủng hoảng Venezuela), The Battle for Mosul (Trận chiến giành Mosul), Rohingya Crisis (Khủng hoảng Rohingya)... 

Nhóm Tứ tấu đàn dây Nhật Bản biểu diễn tại Việt Nam

Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, Nhóm Tứ tấu đàn dây gồm các thành viên thuộc dàn nhạc nổi tiếng Japan Philharmonic Orchestra sẽ có một chuỗi các hoạt động biểu diễn và giao lưu văn hoá tại Đà Nẵng và Hội An (tỉnh Quảng Nam) trong 3 ngày 26, 27 và 28-6. 

Mở đầu chuỗi sự kiện sẽ là một buổi hòa nhạc và giao lưu chào mừng lúc 19h30 ngày 26-6 tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (155 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng). Hai hoạt động tiếp theo trong chuỗi sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 27-6.

Trong đó, vào buổi sáng nhóm sẽ có một buổi Hòa nhạc và Trải nghiệm âm nhạc dành cho thiếu nhi tại Thư viện Tổng hợp và một buổi Hòa nhạc phục vụ bệnh nhân, người nhà cùng các y, bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vào buổi chiều cùng ngày. Trong ngày cuối cùng, nhóm tiếp tục có thêm một buổi Hòa nhạc và Trải nghiệm âm nhạc cho thiếu nhi tại quán Ứ Cafe - Hội An trước khi kết thúc chuỗi sự kiện kỷ niệm tại Đà Nẵng - Hội An bằng một buổi biểu diễn âm nhạc đường phố tại Chùa Cầu, Hội An.

Triển lãm gốm Lư Cấm đương đại

Tối 9-6, tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Nha Trang, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Gốm Lư Cấm đương đại” của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng - Chủ tịch CLB Gốm Sài Gòn.

Triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 150 tác phẩm gốm nung thể hiện các đề tài như: Nét văn hóa Chăm, huyền sử, dân gian, quê hương, tuổi thơ, tình yêu gia đình, chân dung… Đến với triển lãm, công chúng có dịp chiêm ngắm các tác phẩm được tạo tác từ đôi bàn tay tài hoa, ý tưởng đầy sáng tạo của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng như: Cầu phúc, Lễ hội Chăm, Nghi thức tín ngưỡng Chăm, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Thằng Bờm, Thị Mầu, Mẹ Thứ, Cầu hòa bình, Kéo co, Tuổi thơ ở đô thị, Hạnh phúc bình dị, Bạn tôi… Được biết gốm Lư Cấm (Nha Trang) có từ đầu thế kỷ XIX và đã từng có một thời hưng thịnh với nguyên liệu được lấy từ dòng sông Cái, Nha Trang. Sản phẩm đặc trưng của gốm Lư Cấm được nhiều người biết đến là những chiếc bếp lò. Là một người con của làng gốm Lư Cấm, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng đã dày công nghiên cứu để nâng tầm cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật đối với dòng gốm có tuổi đời hơn 200 năm này. Triển lãm trưng bày đến hết ngày 30-9.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam

Từ ngày 27-12 đến 30-12 “Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông” lần đầu tiên diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: sân khấu hóa các truyền thuyết, sử thi của các dân tộc thiểu số, thi dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục truyền thống và hội chợ... hứa hẹn hấp dẫn thu hút đông đảo du khách.

Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng; đồng thời giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Đến với lễ hội, du khách sẽ được tìm hiểu kho tàng truyền thuyết, sử thi của các dân tộc thiểu số, hào hứng tham gia những cuộc thi dệt thổ cẩm, xem trình diễn trang phục truyền thống và thời trang. Đặc biệt, một hội chợ thương mại về sản phẩm thổ cẩm sẽ được tổ chức, du khách trong nước và quốc tế có thể mua sắm các sản phẩm thổ cẩm chất lượng. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản địa phương và tham gia chơi các trò chơi dân gian.

Lễ hội cũng tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số học tập, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu văn hóa với các du khách đến từ khắp mọi miền. Theo dự kiến, ở những năm tiếp theo lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại Thị xã Gia Nghĩa. Đồng thời, quy mô của lễ hội sẽ được mở rộng dần với việc mời thêm nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tiến tới mời một số nước trên thế giới tham gia./.

PV (tổng hợp)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com