Chiều 5-3, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới”. Triển lãm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội Vụ) phối hợp tổ chức.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 50 tài liệu phản ánh về nền khoa cử của Việt Nam xưa. Đặc biệt trong đó có cả 7 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn được trưng bày. Các hình ảnh, tư liệu được lựa chọn từ 3 di sản thế giới của Việt Nam là Mộc bản Triều Nguyễn; Châu bản Triều Nguyễn và Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới”. Ảnh: PV |
Các tư liệu, hình ảnh được trưng bày theo 3 nội dung: Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại; Quốc Tử Giám - Trung tâm giáo dục cao cấp thời quân chủ và Bia đề danh Tiến sĩ và các nhà khoa bảng tiêu biểu.
Thông qua triển lãm nhằm tái hiện lại bức tranh của nền giáo dục và khoa cử Việt Nam xưa. Bên cạnh đó là những quan điểm của Nhà nước về giáo dục, khoa cử trong lịch sử; giới thiệu đến cộng đồng những danh nhân khoa bảng của quốc gia được lưu giữ trong các Di sản tư liệu thế giới... Từ triển lãm nhằm quảng bá, tôn vinh các di sản tư liệu của Việt Nam... Triển lãm sẽ mở cửa đến hết 5-4.
Triển lãm ảnh “Hu-gô Cha-vét và Việt Nam”
Ngày 5-3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Vê-nê-du-ê-la tại Việt Nam đã tổ chức Triển lãm ảnh “Hu-gô Cha-vét và Việt Nam” nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Tổng thống, Tổng tư lệnh Hu-gô Cha-vét.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại sứ Vê-nê-du-ê-la tại Việt Nam Giô-gơ Rôn-đôn U-cát-tê-guy nhấn mạnh, Tổng thống Hu-gô Cha-vét sẽ luôn được nhớ đến bởi các cuộc đấu tranh cho công lý, tự do và phẩm giá của nhân dân Vê-nê-du-ê-la. Ông cũng cho biết, bên cạnh việc thể hiện sự tưởng nhớ tới vị lãnh đạo vĩ đại của Vê-nê-du-ê-la, triển lãm ảnh này còn là sự công nhận về tình yêu và ngưỡng mộ của Tổng tư lệnh Hu-gô Cha-vét đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những bức ảnh được trưng bày Triển lãm “Hu-gô Cha-vét và Việt Nam” làm chúng ta nhớ về một vị lãnh tụ cách mạng mà cuộc đời của ông đã để lại cho nhân dân Vê-nê-du-ê-la anh em một di sản, một sự nghiệp vẻ vang; để lại cho nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam, những tình cảm nhớ thương sâu sắc. Ngoài ra, những bức ảnh tại đây còn tái hiện một số hoạt động về quan hệ hữu nghị, đoàn kết anh em và hợp tác giữa nhân dân và lãnh đạo hai nước Vê-nê-du-ê-la và Việt Nam.
Tuần phim kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam
Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2018), Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với một số đơn vị tổ chức Tuần phim trong cả nước từ ngày 9 đến 15-3-2018.
Các phim được Cục Điện ảnh “đặt hàng” phục vụ nhân dân trong dịp này gồm phim truyện “Suối đầu nguồn”, phim tài liệu chủ đề “65 năm Điện ảnh Việt Nam - truyền thống, hội nhập và phát triển”, băng hình miền núi số chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho đồng bào các dân tộc”. Cùng với đó, Cục Điện ảnh phối hợp với Trung tâm Chiếu phim quốc gia và Cty Cinestar Việt Nam tổ chức chiếu một số bộ phim xuất sắc, từng được trao giải cao qua các kỳ Liên hoan phim Việt Nam như: “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Chị Tư Hậu”, “Đừng đốt”, “Con chim vành khuyên”...
PV (tổng hợp)