Ngày 8-5-2017, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL đã ký ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc 4 loại hình gồm: Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này có nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Nghề sơn mài Cát Đằng được vinh danh bởi đảm bảo các yếu tố: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giá trị sử dụng. Nghề sơn mài Cát Đằng có lịch sử truyền thống lâu đời được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống của địa phương có từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX-X). Nghề sơn mài Cát Đằng chứa đựng những giá trị văn hóa to lớn, đó là sự gắn bó với các lễ hội tôn sùng Thánh Tổ làng nghề và các lễ tiết trong năm. Hằng năm vào ngày 14-16 tháng Giêng để tưởng nhớ công đức của Thánh Tổ làng nghề với các hoạt động tế lễ theo phong tục truyền thống. Về giá trị nghệ thuật, các sản phẩm của nghề sơn mài đạt đến những kỹ xảo tinh tế thông qua hình dáng và nghệ thuật trang trí. Với nguyên liệu chính là sơn, qua bàn tay khéo léo, các nghệ nhân làng nghề đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hàng nét (trên chất liệu gỗ), hàng chắp (mây, tre, nứa...) sinh động và hấp dẫn. Về giá trị sử dụng, những đồ sơn son thếp vàng rực rỡ đã góp phần tô điểm cho các di tích thêm trang nghiêm, lộng lẫy. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống như: cơi đựng trầu, tráp ăn hỏi... Các sản phẩm làng nghề còn được sử dụng để trang trí các bức tranh tứ quý, các bộ bàn ghế, sập gụ khảm trai ốc trong mỗi gia đình.
Theo Quyết định trên, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.
Viết Dư