Ngày 27-12-2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 319/UBND-VP7 chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2017, trọng tâm là các lễ hội xuân diễn ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 của Bộ VH, TT và DL quy định về tổ chức lễ hội; Quyết định số 17-2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, không để tình trạng xây dựng, tu sửa tôn tạo di tích, tiếp nhận công đức bằng hiện vật vào di tích khi chưa được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Chủ động di dời các hiện vật đưa vào trái phép ra khỏi di tích. Chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về giá trị lịch sử - văn hóa di tích, ý nghĩa của lễ hội; hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức người tham gia lễ hội. Rà soát hệ thống các thiết bị phòng chống cháy, nổ và công tác tổ chức phòng chống cháy, nổ tại di tích, hạn chế tối đa du khách đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích. Tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện, không bán hàng hóa, các loại thực phẩm tươi sống, các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình trong khu vực bảo vệ I của du tích, khu vực tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội. Nghiêm cấm hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ trong khuôn viên di tích và lễ hội; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền trên hiện vật, đồ thờ tùy tiện gây phản cảm; bố trí hòm công đức hợp lý, thu gom kịp thời các loại hương tiền công đức, tiền lễ mà nhân dân đặt không đúng nơi quy định. Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, hành khất, trộm cắp, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá hàng hóa dịch vụ, chèo kéo khách, đốt pháo nổ trong thời gian diễn ra lễ hội. Thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội. Sở TT và TT, các cơ quan Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tăng cường tuyên truyền về các nét đẹp trong lễ hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội. Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội theo đúng quy định./.
Viết Dư