Theo thông tin từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh, lễ hội Đường sách Xuân Bính Thân 2016 sẽ chính thức có tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh - Hòa bình, thịnh vượng, phát triển”. Lễ hội đường sách năm nay sẽ tổ chức trên trục đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và như vậy tiếp tục gắn liền với lễ hội đường hoa.
Dự kiến đường sách sẽ có 5 khu vực chuyên đề: Thành phố Hồ Chí Minh - Hòa bình, thịnh vượng và phát triển trưng bày các thành tựu của thành phố sau 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; các bản đồ, hình vẽ, sách về những công trình kiến trúc tiêu biểu; về các dự án cải tạo thành phố trong tương lai. Chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu các tác phẩm trong và ngoài nước viết về Bác. Chuyên đề Đại thi hào Nguyễn Du với các tác phẩm về nhà thơ lớn của dân tộc. Sách và cộng đồng các nước ASEAN là chuyên đề nổi bật năm nay, thể hiện sự hội nhập của thành phố, tại đây sẽ trưng bày tác phẩm của các nước ASEAN. Chuyên đề biển, đảo thiêng liêng giới thiệu sách, bản đồ, tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, đường sách còn có ba khu riêng là khu sách thiếu nhi, khu sách khiếm thị và khu sách điện tử dành cho bất cứ ai có nhu cầu.
Triển lãm “100 năm sau”
Ta có thể sống một cuộc đời dài, nhưng nào ai có thể biết được ta là ai của ngày mai. Những khuôn mặt vô hình, những khuôn mặt hữu hình loang lổ với các vệt màu, ánh lên bởi sắc độ trong chất liệu sơn mài. Đó có thể là chân dung tự họa của chính nghệ sĩ hay là ai đó tình cờ gặp gỡ mà phải đứng đủ xa mới có thể cảm nhận.
Xóa bỏ quy tắc tạo hình, làm chủ tốt kỹ thuật sơn mài cùng với đầy đủ tính ưu việt của chất liệu, Vũ Đức Trung đã lồng ghép cảm xúc của mình với cuộc đời thông qua loạt chân dung mới sáng tác. Vẫn thấp thoáng đâu đó hình ảnh của nước, của rừng - một chủ thể nghiên cứu xuyên suốt trong chuỗi hành trình nghệ thuật, nhưng trong thời kỳ này, họa sĩ cố ý tạo ra những chân dung - những ảo ảnh để rồi trải qua thời gian nó bắt buộc phải tan chảy, phải thay đổi trong sự trống rỗng, mục ruỗng đến cùng cực.
Nói ít, làm nhiều các tác phẩm trong triển lãm đều theo con đường mà nghệ sĩ đã hoạch định sẵn trải dài từ năm này qua năm khác. Yếu tố đột biến trong tác phẩm dường như bị xóa nhòa để nhường lại chỗ cho sự tiếp nối, tiếp nối trong nghệ thuật. 5 năm, 10 năm, 20 năm… quá trình đó được gợi mở, diễn ra liên tục như dòng chảy không ngừng của nước, sự thay đổi của rừng, sự thăng trầm của mỗi cuộc đời để rồi một trăm năm sau…
Triển lãm diễn ra tại phòng tranh Đông Phong, số 3, Lý Đạo Thành, Hà Nội từ ngày 12-12-2015 đến ngày 12-1-2016./.
PV (tổng hợp)