NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa ấn hành cuốn sách ảnh Tướng Giáp trong lòng dân, song ngữ Việt - Anh, dày 124 trang với gần 100 bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Tuấn. Cuốn sách gồm nhiều hình ảnh có giá trị về Đại tướng, khi là hình ảnh Đại tướng đọc sách, nghiên cứu, Đại tướng trong những chuyến đi thăm cán bộ chiến sĩ và nhân dân cả nước, khi trở lại những vùng đất lịch sử từ Pác Bó - Cao Bằng đến Mường Phăng - Điện Biên Phủ, từ Tân Trào - Tuyên Quang đến Định Hóa - Thái Nguyên, đi thăm địa đạo đất thép Củ Chi... Đây là những khoảnh khắc rất đỗi đời thường, bình dị của Đại tướng, với những góc nhìn khác lạ, hình ảnh sinh động, thể hiện được một vị tướng luôn hết lòng thương yêu cán bộ chiến sĩ, gần gũi và gắn bó với nhân dân...
Nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Singapore
Tác phẩm của 5 họa sĩ đương đại Việt Nam gồm: Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Sơn, Lý Trần Quỳnh Giang và Dương Thúy Liễu, sẽ được trưng bày tại triển lãm Art Stage Singapore 2014 từ ngày 15 đến 19-1. Trong khi Nguyễn Trung tạo cảm giác bí ẩn trong các sáng tác thì nghệ sĩ Nguyễn Sơn lại giới thiệu những bức tranh với các hình ảnh hiển thị một sự tinh tế và mềm mại, khơi gợi bản tính nhạy cảm của tâm hồn. Lý Trần Quỳnh Giang khắc họa những nỗi đau trong xã hội đương đại. Còn Đỗ Hoàng Tường thể hiện những khái niệm trừu tượng trong tác phẩm của mình… Art Stage Singapore là một sự kiện nghệ thuật thường niên, tổ chức lần đầu năm 2010. Triển lãm lần này thu hút 150 phòng tranh đến từ nhiều quốc gia tham dự.
Báo I-ta-li-a ca ngợi vẻ đẹp của Việt Nam
Chuyên trang du lịch của nhật báo hàng đầu I-ta-li-a La Repubblica vừa đăng tải bài viết dài giới thiệu vẻ đẹp của đất nước Việt Nam: Vịnh Hạ Long cho đến Đồng bằng sông Cửu Long, giữa những vựa lúa và hồi ức, giữa thiên nhiên đa dạng và phong phú với khát vọng hiện đại hóa. Bài viết đã đưa người đọc thực hiện chuyến du lịch đến những điểm mà tác giả nhấn mạnh là đáng chú ý của một đất nước “có hơn 3.000 cây số bờ biển, những di sản của UNESCO và sự bùng nổ kinh tế giữa những con hổ mới của châu Á”. Trong đó, tác giả tập trung mô tả các điểm đến: Hà Nội với những ngôi chùa và hồ nước; Sa Pa là điểm hẹn cuối tuần với các dân tộc ít người sinh sống, với ruộng bậc thang; vịnh Hạ Long, với hàng nghìn hòn đảo và “vẻ đẹp huyền thoại”...
Tái bản “Đội thiếu niên làng Sa” sau 40 năm
Khi viết “Đội thiếu niên làng Sa” vào tháng 5-1973, tác giả Nguyễn Bá Cổn mới 19 tuổi, đeo hàm binh nhì lính biên phòng, đóng quân ở xã ven biển Giao Phong, huyện Giao Thủy khi đó nằm trong tầm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Theo lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, thiếu niên Giao Phong được các chiến sĩ biên phòng tập hợp thành “Đội trinh sát tí hon”, góp sức vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Thực tế đó đã giúp Nguyễn Bá Cổn viết cuốn sách nói trên. Trong năm 2013 “Đội thiếu niên làng Sa” của nhà văn - nhà báo Nguyễn Bá Cổn đã được NXB Kim Đồng tái bản trong khuôn khổ dự án “Sách Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường tiểu học miền núi - vùng sâu - vùng xa”./.
PV (tổng hợp)