Sáng 28-8-2013, tại Nhà Văn hóa 3-2 (TP Nam Định), UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Chung, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tới dự.
Các đại biểu dự Kỷ niệm. |
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 tại Thành phố Hải Phòng, quê gốc ở làng An Lễ, xã Liên Minh (Vụ Bản). Là một chiến sĩ cách mạng, ông đã cùng Nhà văn Nguyễn Đình Thi viết và in báo Độc Lập, một tờ báo cách mạng phát hành bí mật và tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội tháng 8-1945; sau đó nhận công tác điều tra viên của Công an Liên khu 10, phụ trách tình báo ở vùng biên giới Lào Cai. Năm 1946, ông cùng đồng chí Hà Đăng Ấn được giao nhiệm vụ chuyên chở tiền và vũ khí trên một toa tàu tiếp tế cho mặt trận Nam Bộ, trực tiếp trao cho đồng chí Nguyễn Thị Định ở Quảng Ngãi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhạc sĩ Văn Cao lên Vĩnh Yên tiếp tục làm báo Độc Lập, rồi được Trung ương điều lên Việt Bắc tham gia thành lập Hội Văn nghệ và ra tờ báo Văn nghệ. Ông là hội viên sáng lập và từng giữ cương vị Phó Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam…
Văn Cao là người nghệ sĩ đa tài trên cả ba lĩnh vực thi ca, hội họa và âm nhạc. Năm 1944 ông gửi ba bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”, “Thái Hà ấp đêm mưa” tham gia trưng bày tại “Triển lãm Duy nhất” (Salon Unique), cả ba tác phẩm đều giành giải thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, Văn Cao tiếp tục có nhiều tác phẩm hội họa thành công như: “Phố Lu”, “Gối mộng”, “Suối tóc”, “Lớn lên trong kháng chiến”. Về âm nhạc, Văn Cao đã để lại cho công chúng nhiều tác phẩm nổi tiếng các thể loại từ nhạc trữ tình, hành khúc…, từ các ca khúc lãng mạn “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”…; các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Gò Đống Đa”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”; các thôn ca: “Làng tôi”, “Ngày mùa”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”… Nhiều bài hát của nhạc sĩ Văn Cao đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành niềm kiêu hãnh của tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam. Đặc biệt ca khúc "Tiến quân ca" đã trở thành quốc ca.
Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của Văn Cao đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc cũng như những thành tựu sáng tạo nghệ thuật, ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, ông còn được Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cùng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác. Tên nhạc sĩ Văn Cao đã được đặt cho nhiều đường phố ở các địa phương: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Lạng Sơn…
Tin, ảnh: Việt Thắng