Tối 2-4 (tức 22 tháng 2 năm Quý Tỵ), tại Đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa - TP Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Đàn Xã Tắc năm 2013. Tham gia lễ tế có hơn 500 diễn viên Đoàn Nghệ thuật cung đình Huế cùng hàng nghìn người dân Cố đô và du khách.
Lễ tế Đàn Xã Tắc, nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Lễ tế năm nay gồm nhiều nghi thức như: Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần)... Lễ tế Đàn Xã Tắc (tế thần đất và thần lúa) là lễ hội nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Đề nghị lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản cấp quốc gia
Đại diện Sở VH, TT và DL Quảng Ngãi vừa cho biết đã hoàn thành hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xem xét đề nghị Bộ VH, TT và DL công nhận lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của quốc gia. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm để tri ân những người con đất đảo trong nhiều thế kỷ trước vâng lệnh vua truyền đi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc. Hiện sở đã trình UBND tỉnh hồ sơ công nhận đình làng An Vĩnh (nơi thờ lính Hoàng Sa và cũng là nơi diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ trước và cả bây giờ) để UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, trình Bộ VH, TT và DL công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Hội thảo về thi hào Nguyễn Du
Sở VH, TT và DL Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng tổ chức hội thảo khoa học “Đại thi hào Nguyễn Du và không gian văn hoá Hồng Lam” tại Hà Tĩnh vào tháng 5-2013. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trao đổi những tài liệu và kết quả nghiên cứu mới, đánh giá một cách toàn diện giá trị văn hoá, nhân văn của Đại thi hào Nguyễn Du, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng không gian văn hoá Hồng Lam và bảo tồn khai thác phát huy giá trị văn hoá của quê hương Hà Tĩnh. Hội thảo khoa học này là một trong những hoạt động khởi đầu trong chuỗi hoạt động văn hoá hướng tới lễ kỷ niệm quốc gia 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (năm 2015).
Đêm giỗ tổ xẩm lần thứ 8
Tối 2-4, tại Khu di tích lịch sử đình Hào Nam (Ô Chợ Dừa, Hà Nội) diễn ra chương trình giỗ tổ xẩm lần thứ 8. Tại buổi lễ, các nghệ sĩ và khán giả đã dành thời gian tưởng niệm cố nghệ nhân Hà Thị Cầu và tôn vinh các nghệ nhân của nghệ thuật hát xẩm. Trong chương trình, các học viên Trung tâm Phát triển âm nhạc và Câu lạc bộ Xẩm Hà Nội đã mang đến cho người xem một đêm hát xẩm đặc sắc.
Độc đáo chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu
Ngày 27-4 tới, tại Hải Dương sẽ diễn ra chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách). Chương trình bao gồm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó có 5 hoạt động chính là: Trưng bày bộ sưu tập gốm cổ và gốm đương đại, dựng bản đồ gốm Việt giới thiệu vị trí nổi bật gốm Chu Đậu; Vinh danh thợ giỏi tay nghề cao về làm gốm; Du lịch làng gốm cổ Chu Đậu, tham quan di chỉ khảo cổ học, phong cảnh làng quê Chu Đậu, nơi lưu giữ di sản gốm Chu Đậu dưới lòng đất; Thi tìm hiểu lịch sử gốm Chu Đậu./.
PV (tổng hợp)