Nhu cầu mua sắm máy tính xách tay (laptop), máy tính để bàn (desktop) để phục vụ học tập, làm việc tăng vọt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là dịp vào đầu năm học mới khiến thị trường máy tính rất sôi động, giá cả tăng hơn so với thời gian trước.
Khách hàng tìm mua laptop tại một cửa hàng của Công ty TNHH Khánh Toàn Computer (thành phố Nam Định). |
Khan hàng, giá cả tăng đột biến
Có con chuẩn bị nhập học đại học trên Hà Nội, chị Đặng Thị Thu trú tại đường Quang Trung, thành phố Nam Định muốn mua một chiếc laptop phục vụ con học trực tuyến phòng lúc giãn cách hoặc cách ly xã hội. Tuy nhiên, đi vài cửa hàng mà chị vẫn lưỡng lự, chưa mua được sản phẩm như ý. Chị cho biết: “Trước đây khi con tôi học cấp 3, tôi cho cháu sử dụng một chiếc điện thoại cũ để học online. Nhưng giờ cháu đã vào đại học, có nhu cầu nhiều hơn về tra cứu tài liệu, vả lại màn hình laptop sẽ giúp cháu dễ dàng quan sát và tiếp thu các bài giảng online hơn nên tôi muốn mua laptop cho con tiện sử dụng phòng khi phải giãn cách xã hội. Nhưng laptop đang có giá khá cao, loại tốt, nhẹ và bền cũng có giá lên đến 12-15 triệu đồng”. Thực tế, nhu cầu hàng hóa tăng cao thời gian qua đã khiến thị trường laptop, desktop liên tục “tăng nhiệt”. Khảo sát một số hệ thống cửa hàng máy tính trên địa bàn thành phố cho thấy, các sản phẩm laptop, desktop các thương hiệu HP, Dell, Asus, Lenovo… đều tăng giá từ vài trăm cho đến hơn hai triệu đồng/sản phẩm. Anh Dương Hồng Thiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khánh Toàn Computer (thành phố Nam Định) cho biết, thời điểm này, có khá nhiều phụ huynh tìm mua laptop cho con khiến giá laptop tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với vài tháng trước, đặc biệt trong 2 tháng 7 và 8 (thời điểm chuẩn bị nhập học, khai giảng) giá hàng tăng đột biến. Đây là điểm khác biệt so với vài năm trước đây bởi theo quy luật thị trường đồ điện tử, các dòng laptop sẽ có xu hướng giảm giá dần theo thời gian, đặc biệt khi có các model mới ra đời. Tuy nhiên, năm nay do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các dòng sản phẩm giá bình dân, từ 12-15 triệu đồng luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Đợt cao điểm, bình quân mỗi ngày Công ty xuất bán từ 10-15 chiếc laptop chủ yếu của các hãng Lenovo, Asus, Dell. Thậm chí có ngày cửa hàng không còn laptop để bán. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất cũng là nguyên nhân khiến giá cả laptop tăng cao. Anh Mai Xuân Bắc, Giám đốc Công ty TNHH BbTech cho biết, việc thiếu hụt linh kiện là do dịch COVID-19 ở nước ngoài chưa ổn định khiến nguồn cung linh kiện để sản xuất không phục vụ đủ nhu cầu, chi phí đầu vào bị đội lên nên sản phẩm máy tính xuất xưởng vừa khan hiếm vừa tăng giá. Bên cạnh đó, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nên việc vận chuyển các laptop chính hãng HP, Dell, Asus về chậm cũng khiến xảy ra tình trạng đẩy giá, “cháy” hàng. Hầu hết các cửa hàng đều phải đặt hàng trước đó từ 1-2 tháng đối với các lô hàng có lịch nhập để kịp có hàng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, nhu cầu laptop của các nhóm khách hàng khác như người dân kinh doanh online, nhân viên văn phòng làm việc trực tuyến cũng khiến cho thị trường laptop ngày càng “tăng nhiệt”.
Thị trường laptop “lên ngôi” trong mùa dịch
Theo khảo sát thị trường, học sinh, sinh viên thường lựa chọn sản phẩm có mức giá vừa phải, từ 8-12 triệu đồng có thể đáp ứng nhu cầu học trực tuyến; khách hàng có thêm nhu cầu giải trí thường mua máy cấu hình cao, có giá lên đến 15-20 triệu đồng. Hiện tại, tất cả các phân khúc laptop trong khung giá 8-12 triệu đồng của các thương hiệu đều thiếu hàng, không đáp ứng được nhu cầu quá cao của thị trường. Theo khảo sát một số cửa hàng, một số hãng laptop đã điều chỉnh giá mới cho các sản phẩm sử dụng chip Intel Core i thế hệ thứ 11 với mức tăng 5-10% từ quý III-2021.
Hiện phân khúc laptop có nhu cầu lớn nhất vẫn là tầm trung với thiết kế, cấu hình và giá cả hợp lý cho những nhu cầu học tập và làm việc cơ bản. Theo anh Thiệp, hiện tại cấu hình 1 laptop đáp ứng tốt việc dạy và học trực tuyến thông thường gồm chip Intel Core i3, Ram 4G và ổ dữ liệu 200G, màn hình từ 13,5-15 inch với giá thành dao động từ 12-15 triệu đồng. Hoặc khách hàng có thể đặt hàng lắp đặt desktop với chi phí phù hợp hơn do chủ động lựa chọn được giá và cấu hình linh kiện lắp ráp. Tuy nhiên, với máy tính để bàn, khách hàng thường phải sắm thêm các phụ kiện phục vụ nhu cầu công việc, học tập trực tuyến như loa hoặc tai nghe, micro, webcam rời, chi phí có thể tăng thêm. Hiện tại, 1 webcam loại tốt có giá từ 200-500 nghìn đồng, tai nghe dao động từ 80-90 nghìn đồng là có thể đáp ứng tốt việc học và dạy online của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, các dòng laptop cũ với giá rẻ từ 7-8 triệu đồng cũng là lựa chọn phù hợp đối với các gia đình đầu tư ngắn hạn đối phó với giãn cách do dịch COVID-19.
Do tâm lý lo ngại dịch bệnh nên nhiều khách hàng hạn chế đến mua trực tiếp tại các điểm bán và lựa chọn mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh số bán online của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ tăng mạnh. Hầu hết các đơn hàng online trong những ngày qua tại hệ thống tăng khoảng hơn 20% so với thời gian trước. Một trong những lý do là các cửa hàng điện máy liên tục tung ra các gói ưu đãi mua hàng online. Tại hệ thống Thế Giới Di Động trên địa bàn tỉnh cũng tung ra gói khuyến mãi “Laptop tựu trường” nhằm hỗ trợ về giá laptop với ưu đãi: giảm sâu 7% giá laptop phục vụ học tập, trả góp 0%, giảm thêm 500 nghìn đồng với mua online hoặc tặng quà (tuỳ từng sản phẩm)… Đối với tân sinh viên, từ ngày 10-8 đến 31-10, dựa trên điểm số trúng tuyển sẽ có lần lượt ưu đãi giảm giá từ 300 nghìn đồng đến cao nhất là 3 triệu đồng khi mua laptop sử dụng hệ điều hành có bản quyền của Windows. Tại chuỗi hệ thống siêu thị điện máy Media Mart, hiện đang có chương trình khuyến mãi “Chào năm học mới - Laptop học online” giảm giá từ 15-20%, hỗ trợ trả góp 0%. Các cửa hàng laptop dân dụng cũng tung ra các khuyến mãi như miễn phí vận chuyển, bán với giá nhập, miễn phí các gói phần mềm học trực tuyến của Windows, Office, Zoom, Google Meet, Microsoft Team hoặc tặng kèm quà tặng… để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan quản lý thị trường, để mua sắm qua các kênh trực tuyến, người tiêu dùng cần phải lựa chọn các cửa hàng uy tín, đồng thời tìm hiểu kỹ về dịch vụ, chế độ bảo hành sau bán hàng để quyền lợi của mình được bảo đảm. Bên cạnh đó, người dân nên căn cứ dựa trên nhu cầu sử dụng của mình để chọn mua một chiếc laptop hoặc máy tính để bàn với cấu hình và giá thành hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu học của con cái./.
Bài và ảnh: Đức Toàn