Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Nam Định đã tập trung phát triển dịch vụ thẻ, trong đó chú trọng phát triển thẻ thấu chi tại địa bàn nông thôn nhằm xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, gia tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại cho người dân, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Người dân sử dụng thẻ Agribank để thanh toán mua sắm tại cửa hàng tạp hoá Trình Lụa Mart, xã Yên Đồng (Ý Yên). |
Thực tế hiện nay, hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân khu vực thành thị, khu vực nông thôn vẫn rất thiếu, độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng với chi phí cao. Để lấp khoảng trống tại khu vực này, Agribank đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Được triển khai từ tháng 9-2019, Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ, trong đó có dịch vụ thẻ thấu chi đã được Agribank Bắc Nam Định triển khai rộng rãi đến khách hàng tại địa bàn nông thôn 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc. Theo đó, khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn được miễn phí phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh, thủ tục linh hoạt. Khách hàng có thể sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, tạp hóa, cơ sở sửa chữa máy nông, ngư, cơ khí, siêu thị... Thẻ thấu chi của Agribank đã giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Các công ty, cửa hàng, hộ gia đình có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và các cửa hàng đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản… được miễn phí chiết khấu, lắp đặt máy quẹt thẻ POS với thủ tục đơn giản, quy trình thanh toán nhanh chóng. Bên cạnh đó, Agribank Bắc Nam Định phối hợp với các địa phương triển khai truyền thông đa phương tiện để người dân nắm bắt và hiểu rõ lợi ích của thanh toán qua thẻ thấu chi bằng tờ rơi; bản tin phát thanh xã, thôn, xóm; băng rôn tại các điểm giao dịch, báo in và truyền hình, tin nhắn điện thoại.
Ông Phạm Quốc Vinh, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Ý Yên chia sẻ: Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của việc phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp - nông thôn, ngay sau khi nhận được văn bản triển khai Đề án của Agribank Trung ương, Chi nhánh đã khẩn trương tổ chức thực hiện, giao kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ tín dụng, nhân viên. Song song với đó, xây dựng phần mềm hỗ trợ thiết lập hồ sơ trên máy vi tính; thường xuyên theo dõi, khảo sát, chỉ đạo, hướng dẫn quá trình triển khai ở cơ sở; nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chi nhánh phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi về tiện ích của thẻ thấu chi đến từng người dân. Có thể nói, thẻ thấu chi Agribank là sản phẩm thiết thực, hữu ích có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tín dụng đen địa bàn nông thôn. Đây cũng là sản phẩm thẻ hiệu quả, an toàn góp phần tăng sức cạnh tranh, khẳng định thế mạnh về thẻ của Agribank tại địa bàn nông nghiệp - nông thôn, đáp ứng phát triển dịch vụ bán chéo sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt theo nhu cầu cá nhân của người dân tại huyện Ý Yên. Hiện tại, Chi nhánh đã phát hành được hơn 6.300 thẻ thấu chi cho các khách hàng thuộc 20 xã, thị trấn huyện Ý Yên. Tính rộng ra toàn chi nhánh Agribank Bắc Nam Định đã phát hành được hơn 7.000 thẻ, lắp đặt hơn 10 máy POS tại các điểm chấp nhận thẻ theo Đề án đã được duyệt. Chủ cơ sở Trình Lụa Mart tại thôn Khang Quang, xã Yên Đồng (Ý Yên) cho biết: Được Agribank Bắc Nam Định tạo điều kiện, chúng tôi đã lắp đặt máy POS tại cửa hàng để phục vụ khách hàng là nhân dân địa phương và các xã lân cận như Yên Trị, Yên Đồng, KCN Bảo Minh. Hiện tại, bà con nông dân trên địa bàn xã sử dụng thẻ thấu chi rất thuận lợi vì không cần phải mang tiền mặt, chỉ cần quẹt thẻ là mua được vật tư nông nghiệp, các loại nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống. Việc có được khoản tiền cấp sẵn qua thẻ thấu chi giúp người dân có thể sử dụng khi có nhu cầu đột xuất, không phải đi vay lãi ngày, giảm bớt nguy cơ rơi vào bẫy tín dụng đen, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự tại địa phương. Thêm vào đó, giúp cho người dân cũng dần quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại, thanh toán qua quẹt thẻ máy POS chiếm đến 20% giao dịch hàng ngày tại cửa hàng.
Thời gian tới, Agribank Bắc Nam Định sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tiện ích dịch vụ thẻ ngân hàng đến đông đảo khách hàng và người dân vùng nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát hành thẻ, gia tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS để đáp ứng nhu cầu và tiện lợi cho khách hàng; nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa giúp khách hàng mở thẻ, tiếp cận các dịch vụ tiện ích hiện đại của Agribank phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống của người dân vùng nông thôn như thanh toán tiền điện, tiền nước, internet, viễn thông… Phấn đấu đến hết năm 2021, Chi nhánh sẽ phát hành được hơn 10 nghìn thẻ thấu chi, lắp đặt thêm 20 máy POS đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán người dân vùng nông thôn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn