Hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong năm 2020 bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, đơn hàng xuất khẩu và bị gián đoạn, thanh toán tiền hàng chậm. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, giá trị hàng may mặc ước đạt 1.470 triệu USD; sản phẩm da giày, túi xách ước đạt 360 triệu USD; hàng lâm sản ước đạt 41 triệu USD... Một số doanh nghiệp tiêu biểu có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá như: Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Công ty TNHH Youngone Nam Ðịnh; Công ty TNHH may YSS; Công ty TNHH Yamani Dynasty; Công ty TNHH giầy Amara Việt Nam; Công ty TNHH may mặc JUNZHEN; Công ty Cổ phần thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy; Công ty Cổ phần May Nam Ðịnh; Công ty TNHH Smart Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh... Kết quả này đã cho thấy hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện giao dịch thương mại khó khăn, nhu cầu thị trường giảm như hiện nay.
Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định). |
Theo nhận định của ngành chức năng, năm 2020, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, nhưng nhờ Chính phủ chỉ đạo điều hành kiểm soát tốt dịch bệnh nên Việt Nam không bị ngừng sản xuất vì cách ly xã hội như một số nước khác. Thị phần một số sản phẩm dệt may, nông sản, chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng tại các thị trường Mỹ và EU đã tăng lên. Bên cạnh đó Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn, ưu đãi, giãn, giảm thuế và cải cách hành chính. Một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thuộc và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá đã chuẩn bị đơn hàng từ năm trước. Các doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất nhựa, đồ chơi trẻ em, giày da mở rộng sản xuất theo dự án đã đầu tư những năm trước đây. Nhờ đó, thị trường hàng hóa xuất khẩu đã được mở rộng, đa dạng hóa theo hướng gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông sản đã qua chế biến. Ðáng chú ý là trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh thời gian qua các doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất một số mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như dược phẩm, thiết bị y tế, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ và sản phẩm phục vụ tiêu dùng nên vẫn đảm bảo giá trị xuất khẩu. Tại Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam, đơn vị có truyền thống xuất khẩu các loại khăn bông cho thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Vào thời điểm dịch bệnh, sản lượng khăn xuất khẩu dùng cho các nhà hàng, khách sạn, phòng tập, Spa bị giảm đi đáng kể do hầu hết các nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh; Công ty đã chuyển hướng tập trung vào sản xuất các loại khăn những sản phẩm dệt ít bị ảnh hưởng như khăn mặt, khăn lau phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân do đó Công ty vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm cho các làng nghề dệt vệ tinh trong tỉnh. Nhóm các doanh nghiệp dệt may như Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Cổ phần May Nam Ðịnh, Tổng Công ty Cổ phần Dệt, May Nam Ðịnh là những đơn vị tiên phong trong việc sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ phục vụ nhu cầu phòng chống dịch của các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... Trong thời gian này, nhiều loại khẩu trang kháng khuẩn đạt tiêu chuẩn quốc tế như ARDILLA của Công ty Cổ phần May Nam Ðịnh; KF94 của Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Với phương thức chuyển đổi sản xuất đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường nên các đơn vị này vẫn duy trì được doanh thu, bộ máy sản xuất ít bị xáo trộn, đồng thời tạo việc làm cho người lao động, biến thách thức thành cơ hội, tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, tổ chức sản xuất linh hoạt nhiều mặt hàng để hạn chế suy giảm cũng như duy trì việc làm cho người lao động là ưu điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn trong thời gian qua. Nhóm các doanh nghiệp sản xuất nhựa, đồ chơi, da giầy liên tục mở rộng sản xuất với quy mô đầu tư lớn đều ký được hợp đồng dài hạn, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Nhóm các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm cũng đã ghi nhận thêm những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như: Ngao Lenger của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam; muối NADISALT của Công ty Cổ phần Muối và thương mại Nam Ðịnh; kẹo sìu châu của Công ty Kim Thành Hoa, tép moi của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương và gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân… Năm 2020, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu trên 11 nghìn tấn ngao các loại sang thị trường các nước châu Âu, tăng 10% so với năm ngoái; Công ty Cổ phần muối và thương mại Nam Ðịnh xuất khẩu ổn định 100 tấn muối NADISALT sang thị trường Nhật Bản. Mặc dù giá trị xuất khẩu chưa cao nhưng những doanh nghiệp này đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh và mở ra cơ hội nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản địa phương. Góp phần cùng với doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó, các ngành chức năng như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cầu nối tích cực giữa doanh nghiệp với các Tham tán thương mại, Tùy viên thương mại của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Italia, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới dược đẩy mạnh để doanh nghiệp tranh thủ tận dụng ưu đãi thuế quan. Các ngành KH và ÐT, Thuế, Ngân hàng… tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, giãn nộp thuế và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất.
Theo dự tính của ngành chức năng, thời gian tới thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn do dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Trong đó chú trọng Hiệp định Ðối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết trong tháng 11-2020, dự kiến có hiệu lực trong vòng 2 năm tới. Với hiệp định này, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về quy tắc xuất xứ để hàng hóa trong tỉnh xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan trở nên dễ dàng hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương