Năm 2020 phát sinh nhiều khó khăn làm giảm sút sức tiêu dùng trong dịp tết như: dịch bệnh COVID-19, thiên tai bão lũ ở miền Trung, dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống nhân dân. Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến khó lường. Tuy nhiên theo quy luật thị trường, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thường tăng cao hơn so với các tháng trước. Để bảo đảm bình ổn thị trường, cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng dồi dào, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý.
Nhân viên siêu thị Co.opmart Nam Định chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm của người dân. |
Ngay từ đầu quý III- 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án đảm bảo cung cầu, kiềm chế lạm phát theo quy định; chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo sản xuất cung ứng sớm và đầy đủ lượng hàng hóa theo nhu cầu sức mua của người dân. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ… gây tăng giá cục bộ trong các dịp lễ, tết. Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại, giảm giá, đưa hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng về nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng để tạo điều kiện luân chuyển, cung ứng đa dạng các loại hàng hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, phí, lệ phí. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng góp phần ổn định giá cả. Giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với mức lãi suất hợp lý, theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để chuẩn bị hàng hóa, ổn định thị trường.
Theo nhận định của các ngành chức năng, sức mua hàng hóa dịp cuối năm nay sẽ thấp hơn mọi năm khoảng 5-10% nhưng nhu cầu hàng hóa sẽ dồn vào các sản phẩm nội địa nên các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa trong tỉnh cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đón đầu xu thế này, hơn 40 đơn vị trong Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định đều đã sớm chuẩn bị phương án đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường cuối năm. Lợi thế của các doanh nghiêp trong Hiệp hội là đều sản xuất nông sản, thực phẩm từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương nên phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó các doanh nghiệp này đều được các ngành chức năng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện tem nhãn và kiểm tra thường xuyên nên được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Phục vụ thị trường tiêu dùng cuối năm, ngoài các sản phẩm truyền thống như ngô, khoai tây, chuối, hạt sen, hạt điều… sấy, Công ty TNHH một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định) đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới là bánh phồng tôm vị rau quả và khoai lang kén, bánh phồng ngô. Những sản phẩm này phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong mùa đông và là món ăn nhanh phổ biến của người dân mỗi dịp lễ tết. Điều quan trọng hơn, những sản phẩm mới này đều được Công ty tận dụng từ nguyên liệu dôi dư sau chế biến các sản phẩm chính nên chất lượng đảm bảo mà giá lại rất rẻ. Chị Hoàng Thu Nga, phường Quang Trung (thành phố Nam Định) cho biết: Từ lâu tôi đã tin dùng sản phẩm của Công ty Minh Dương. Năm nay, Công ty đưa ra thị trường sản phẩm khoai lang kén phù hợp với nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết. Chắc chắn món ăn này sẽ góp mặt trong bữa cơm gia đình của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Là doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, bò như: Giò nóng 7 phút, giò sụn, chả, dồi sụn, viên thả lẩu sụn nấm, xúc xích, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát (thành phố Nam Định) đã tranh thủ thời điểm giá thịt lợn hơi trên thị trường giảm để ký hợp đồng thu mua nguyên liệu chuẩn bị cho dịp làm hàng cuối năm. Vì vậy ngay khi có dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Công ty đã cơ bản đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, kiên quyết không nhập hàng trôi nổi, không đạt chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp sản xuất gạo, nấm ăn, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… cũng chuẩn bị lượng hàng hóa nhiều hơn mọi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, làm quà biếu, quà tặng của người dân. Nhóm các doanh nghiệp cung ứng hàng tiêu dùng lớn như Công ty thương mại Hòa Bình, BigC, Micom, Co.opmart, Lan Chi, Countrymart… cũng đã nhận định rõ xu hướng thị trường để tập trung cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh ở phân khúc trung bình, giảm bớt nhóm hàng cao cấp và chủ động đa dạng hóa nhóm hàng thực phẩm từ thủy hải sản, gia cầm, trâu, bò, dê, cừu… để thay thế thịt lợn phòng khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Đồng thời ưu tiên đặt hàng từ các nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh để có nguồn cung phong phú, giá cả cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng. Trong phương án dự trữ hàng hóa năm nay, các đơn vị này còn chủ động dự phòng một lượng tương đối các mặt hàng khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay phòng dịch bệnh COVID-19 và chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển, phân phối hàng hóa kịp thời trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Siêu thị Co.opmart Nam Định nằm trong hệ thống các đơn vị thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đến thời điểm này đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với trữ lượng tăng gần 20% so với năm trước. Trong đó, phần lớn ưu tiên đầu tư cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết. Đồng thời xây dựng các chương trình khuyến mại từ 2 tháng trước tết; cam kết không tăng giá bán hàng hóa trong vòng 1 tháng trước tết tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Việc các cơ quan chức năng tích cực định hướng thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa; sự chủ động chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp trước tình trạng thị trường tiêu dùng biến động lớn là tín hiệu tốt cho việc đảm bảo bình ổn cung cầu dịp lễ, tết cuối năm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mối quan tâm lớn vẫn là việc ổn định thị trường, chống gian lận thương mại, bởi theo quy luật, điều kiện kinh tế khó khăn, dịch bệnh xuất hiện là cơ hội để các gian thương trà trộn hàng giả, hàng nhái vào tiêu thụ. Do đó các lực lượng chức năng cần tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm; các hành vi vi phạm về giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Cục Quản lý thị trường (đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo chống gian lận thương mại địa phương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, ổn định giá cả thị trường. Các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa chủ động giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ găm hàng, nâng giá./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương