Qua 16 năm hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Trực Thắng luôn bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân đến gửi tiền và từng bước đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của nhân dân xã Trực Thắng (Trực Ninh).
Ông Đỗ Vị Hoàng, Giám đốc Quỹ TDND Trực Thắng cho biết: “Những năm qua, Quỹ đã luôn bám sát các quy định pháp luật về kinh doanh tiền tệ, điều chỉnh linh hoạt mức lãi suất huy động vốn đầu vào, vốn cho vay, giảm bớt các thủ tục rườm rà trong quá trình thẩm định hồ sơ vay, tạo điều kiện giải ngân nhanh vốn vay của Quỹ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển thành viên, thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã tham gia gửi tiền tại Quỹ để tăng nguồn vốn hoạt động. Vì vậy, uy tín của Quỹ ngày càng tăng, số lượng thành viên tham gia quỹ ngày càng đông thêm”. Từ 30 thành viên ban đầu, đến nay đã tăng lên 1.058 thành viên, gấp 35 lần. Đến hết tháng 9-2020, tổng nguồn vốn của Quỹ đã đạt trên 117 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 95,3 tỷ đồng; nợ xấu chỉ có 200 triệu đồng, chiếm 0,2% so với tổng dư nợ; đã có kế hoạch giải quyết triệt để trong quý IV năm 2020. Nguồn vốn Quỹ ngày càng tăng cao nên việc giải quyết vốn vay cho nhân dân được nhanh chóng kịp thời. Bên cạnh đó, Quỹ cũng bám sát các chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 như: 5 lần giảm lãi suất huy động chỉ còn 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng, 4 lần giảm lãi suất cho vay chỉ còn 10,56%/năm với kỳ hạn 12 tháng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 12 khách hàng với dư nợ là 3 tỷ 505 triệu đồng. Hoạt động của Quỹ đã trở thành một kênh cung ứng, đáp ứng tốt nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hạn chế và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, giữ ổn định an ninh trật tự, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở xã Trực Thắng.
Sản xuất tại cơ sở sấy cau khô của chị Nguyễn Thị Lĩnh ở xóm 2, xã Trực Thắng. |
Hiện tại, có hơn 560 hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn của Quỹ, trong đó, nhiều hộ gia đình vay với số tiền 500 triệu đồng trở lên để đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và làm giàu cho quê hương. Điển hình là hộ chị Nguyễn Thị Lĩnh ở xóm 2, là một trong số những chủ xưởng sấy cau khô lớn nhất tại xã. Được Quỹ tạo điều kiện cho chị vay 950 triệu đồng để đầu tư phát triển cơ sở sấy cau khô xuất khẩu sang Trung Quốc. Chị Lĩnh hồ hởi cho biết: “Năm nay, cau được giá nên suốt 4 tháng qua, xưởng liên tục phải hoạt động hết công suất mới đảm bảo đủ cung ra thị trường. Dòng tiền phải quay vòng liên tục nên nhiều lúc gia đình cũng rơi vào tình cảnh thiếu vốn sản xuất, mua nguyên liệu. Rất may Quỹ đã nhanh chóng tạo điều kiện cho vay, giúp cho hoạt động sản xuất của gia đình luôn thông suốt”. Hiện tại, xưởng của chị có 4 lò sấy cau khô với công suất 50 tấn/mẻ. Với giá cau khô trên thị trường hiện tại từ 270-280 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi vụ cau, gia đình chị đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tại xóm 14, cơ sở sản xuất chậu cây cảnh của ông Vũ Văn Cát luôn hoạt động nhộn nhịp, xe tải chở hàng vào ra tấp nập. Bình quân mỗi tháng, xưởng của ông Cát sử dụng từ 8-9 tấn vật liệu xi măng để sản xuất chậu cây cảnh. Đặc biệt, vào các tháng cuối năm, mỗi ngày cơ sở sản xuất của ông xuất bán hàng trăm bộ sản phẩm chậu xi măng các loại. Ông Cát cho biết: “Quỹ luôn là địa chỉ tin cậy tôi tìm đến mỗi khi gặp khó khăn về vốn suốt 16 năm qua. Nhờ có Quỹ, giờ đây tôi không còn phải đi hàng chục cây số lên trung tâm huyện để vay vốn phát triển kinh tế như trước nữa. Quỹ luôn tạo điều kiện giải ngân nhanh, thuận tiện với lãi suất ưu đãi nên gia đình không còn phải lo về vốn quay vòng phục vụ sản xuất”. Hiện tại, dư nợ tại Quỹ của gia đình ông là 300 triệu đồng. Yên tâm về vốn nên ông không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng, thiết kế chậu cây cảnh bám sát thị hiếu của người dân, kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Bình quân gia đình ông đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm từ nghề sản xuất chậu cây cảnh. Nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã cũng được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ và đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế, tự tin làm giàu ngay tại quê hương. Điển hình như hộ anh Hoàng Văn Thắng ở xóm 2 với xưởng đồ gỗ mỹ nghệ có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm; hộ anh Trần Văn Nghĩa ở xóm 11 với trang trại sinh vật cảnh có doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm. Hầu hết các hộ vay vốn của Quỹ đều đầu tư đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đều hoàn thành trả gốc, lãi đúng hạn.
Đồng chí Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Thắng khẳng định: “Trực Thắng ở xa trung tâm huyện nên nguồn vốn từ Quỹ TDND Trực Thắng thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn xã trong những năm qua. Nhờ đó thu nhập bình quân theo đầu người của xã đã đạt 42 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ thuần nông nghiệp sang phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ. Vì thế, xã sẽ tích cực hỗ trợ Quỹ về giải quyết thủ tục hồ sơ vay vốn, hồ sơ đất đai để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, xác minh kịp thời, giúp các hộ tiếp cận nhanh với vốn vay ưu đãi của Quỹ”. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các thành viên phát triển các ngành nghề tiềm năng của xã như đúc bê tông, sinh vật cảnh, dịch vụ thương mại, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng… Tập trung kiện toàn, hoàn thành các mục tiêu tại đề án củng cố và cơ cấu lại Quỹ TDND đã được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phê duyệt. Tiếp tục cải tiến quy trình cho vay, rút ngắn thời gian giải ngân vốn, đảm bảo chính xác, an toàn, hiệu quả. Đổi mới tác phong giao dịch, nâng cao uy tín và vị thế của Quỹ đối với phát triển kinh tế địa phương. Không ngừng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về quản trị điều hành và quản lý theo quy định của pháp luật. Năm 2021, Quỹ phấn đấu tăng trưởng dư nợ đạt 10 tỷ đồng, huy động vốn tăng từ 15-20 triệu đồng, phát triển thêm 20 thành viên; nợ xấu ở mức dưới 1% so với tổng dư nợ./.
Bài và ảnh: Đức Toàn