Chợ truyền thống không chỉ là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, tư liệu sản xuất hàng ngày cho cư dân, mà còn là không gian giao tiếp văn hóa của cộng đồng dân cư. Trong xu hướng mới, nhiều hình thức kinh doanh hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại nở rộ, song chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức thương mại phổ biến nhất. Tuy nhiên để chợ truyền thống tồn tại đáp ứng yêu cầu của thương mại văn minh thì cả cơ quan quản lý, tiểu thương và người tiêu dùng đều phải chung tay giải quyết.
Xã hội hiện đại, ngoài chợ truyền thống, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn nhiều kênh mua bán khác như: siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ điện tử. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống phân phối, là kênh chủ lực tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động; chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch gắn với các thói quen, tập quán vùng miền mà các loại hình thương mại hiện đại không thể thay thế được.
Chợ Hành Thiện xã Xuân Hồng (Xuân Trường) quy hoạch gọn gàng, đảm bảo các tiêu chí chợ trong xây dựng nông thôn mới. |
Theo số liệu của ngành Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 245 chợ truyền thống, trong đó có 5 chợ đầu mối, 6 chợ hạng I, 33 chợ hạng II, 201 chợ hạng III; gần 30 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Chợ truyền thống đảm bảo cho 60-70% số hộ cá thể, các thành phần kinh tế kinh doanh trong chợ; đảm nhận trung chuyển, buôn bán, lưu thông hơn 60% lượng hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn thành phố và trên 90% ở khu vực nông thôn. Thông qua chợ truyền thống, thói quen, tập quán mua bán hàng hóa của người dân được duy trì ổn định là thuận lợi lớn trong việc nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để định hướng sản xuất, tạo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó, trong Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025, UBND tỉnh đã xác định nhiệm vụ xây mới 34 chợ, nâng cấp 26 chợ, di dời 9 chợ cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài nhiệm vụ cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, chợ truyền thống còn là nơi tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông nhàn, hay doanh nghiệp khan việc. Thực tế, trên địa bàn tỉnh ta, chợ truyền thống đã nhiều lần trở thành “cứu cánh” cho số lớn lao động là công nhân của các nhà máy, xí nghiệp mất việc do khủng hoảng kinh tế; do ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay người dân các địa phương có đất ruộng được quy hoạch cho các mục đích sử dụng khác. Gần đây nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, các quốc gia phải đóng cửa, hạn chế đi lại, giao thương để ngăn chặn lây lan dịch khiến công việc đình trệ, nhiều công nhân mất việc. Để giải quyết tình thế cấp bách, đảm bảo thu nhập, một số không ít công nhân đã ra chợ buôn bán nhỏ lẻ đảm bảo làm kế sinh nhai trước mắt.
Bên cạnh những ưu điểm, thì chợ truyền thống cũng tồn tại nhiều bất cập về hình thức quản lý, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa cũng như vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự. Cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp không đảm bảo mỹ quan, vệ sinh an toàn, vẫn có tình trạng nâng giá vô tội vạ, bắt chẹt khách lạ, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Cùng với đó, hàng hóa được bày bán lộn xộn, thiếu khoa học. Trong đó, thực phẩm sống, chín bày bán lẫn lộn, không được che đậy, bảo quản đúng yêu cầu… gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng trà trộn đưa hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vào buôn bán trong chợ, nhất là ở các chợ nông thôn xa trung tâm, người dân thiếu kinh nghiệm trong khi công tác quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đợt kiểm tra định kỳ tại chợ truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường trên địa bàn toàn tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt sai phạm của tư thương kinh doanh quần áo, túi xách, giày dép, kính mắt giả nhãn mác, xuất xứ của các nhãn hàng nổi tiếng như Adidas, Gucci, Fendi…; nước mắm, mì chính, hạt nêm giả nhãn hiệu Chinsu, Ajinomoto, Vedan; đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực, thậm chí một số quầy hàng kinh doanh văn phòng phẩm bày bán bao lì xì, túi trang trí, lịch tay có in hình bản đồ Việt Nam nhưng thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Chất lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tại các cuộc kiểm tra liên ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức hàng năm đều phát hiện trong một số thực phẩm như măng tươi, giá đỗ, giềng tươi giã sẵn, cá khô, giò, chả, bánh phở… đều có chứa hóa chất bảo quản thực phẩm không được phép sử dụng như phormol, vàng ô và hàn the. Đây là các loại chất độc có hại cho sức khỏe nên đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Trong bối cảnh chợ truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt với các kênh bán lẻ hiện đại khác như siêu thị, cửa hàng tự chọn, thông minh và đội quân bán hàng di động, nếu không có biện pháp khắc phục hạn chế nêu trên, các chợ truyền thống sẽ mất thị phần ngay tại địa bàn.
Nằm trong xu thế phát triển của thương mại hiện đại, chợ truyền thống cũng được UBND, các địa phương chủ động đưa ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ. Trong đó, tập trung phát triển chợ nông thôn đảm bảo các quy định mà bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đề ra. Sở Công Thương đã triển khai thực hiện phương án phát triển hệ thống chợ nông thôn đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương, song phải đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở đã tích cực hướng dẫn các địa phương cải tạo, nâng cấp đầu tư xây dựng chợ nông thôn dựa trên quy mô số hộ kinh doanh tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí tốn kém vì đa số chợ nông thôn chỉ phục vụ nhu cầu giao thương trong địa bàn xã. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng chợ nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống chợ với số vốn đầu tư trên 120 tỷ đồng. Hầu hết các chợ nông thôn đã có đình chợ kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki ốt trong chợ đã từng bước được đầu tư khang trang, sạch sẽ; nền chợ, giao thông nội bộ trong chợ được bê tông hóa; hệ thống thoát nước, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Các chợ đều có ban quản lý, tổ quản lý thực hiện giám sát hoạt động mua bán đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, an ninh công cộng...
Việc phát triển nhanh và đồng bộ mạng lưới chợ truyền thống là đòn bẩy phát huy tối đa vai trò thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Để chợ truyền thống trở nên sạch đẹp, văn minh, hiện đại, thực sự góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trong tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế, Sở Công Thương đang nỗ lực cùng các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch; vốn đầu tư; cơ chế chính sách; quản lý Nhà nước… Trong đó, về công tác quy hoạch, kế hoạch, các địa phương triển khai thực hiện và kịp thời cập nhật bổ sung các dự án đầu tư chợ theo Quy hoạch, Kế hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Không để tình trạng chợ tự phát hình thành, lấn chiếm lòng đường làm mất an toàn giao thông, mỹ quan, vệ sinh môi trường. Đề xuất xóa bỏ những chợ hoạt động kém hiệu quả để đầu tư tập trung. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng chợ. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ để nâng cao kiến thức về quản lý, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; nhân rộng mô hình “chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Vận động tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương