Phòng vệ thương mại (PVTM) là những biện pháp ngăn chặn, hạn chế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước này sang nước kia và được nước nhập khẩu áp dụng nhằm bảo vệ các hàng hóa sản xuất trong nước khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Để chuẩn bị các điều kiện hội nhập vững vàng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Sở Công Thương nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đang nâng cao khả năng PVTM.
Công ty CP May Nam Hà đầu tư hệ thống dây chuyền treo thông minh để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. |
EVFTA được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 8-6-2020 và có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã mở ra cơ hội mới về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cả hai bên. Theo đó, khi EVFTA có hiệu lực, đối với hàng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ giảm 65% thuế và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Tương ứng với đó, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam xuất sang EU được giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà EVFTA đạt được so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Tuy nhiên theo các chuyên gia, EVFTA có mức độ cắt giảm thuế quan cao, thương mại hàng hóa hai chiều sẽ gia tăng dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc PVTM giữa hai bên (để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu). Bên cạnh đó, do các lợi ích mà EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trên thực tế tình trạng này đang ngày càng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh ta, hiện tượng các doanh nghiệp bị doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng thương hiệu để xuất khẩu hàng hóa đã từng xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín. Trong bối cảnh này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, các quy định về PVTM để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình cũng như ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động PVTM, Sở Công Thương đã bám sát việc thực hiện các chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương cũng như Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19-5-2020 triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới. Trong đó tập trung vào việc cử cán bộ chuyên trách về các hoạt động trong lĩnh vực PVTM để có điều kiện triển khai mạnh mẽ hoạt động này; xây dựng Cẩm nang thông tin về PVTM để cung cấp thông tin rộng rãi, có hệ thống tới các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực PVTM của Việt Nam trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, tập trung vào các vấn đề tuyên truyền, đào tạo và tư vấn hỗ trợ pháp lý đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với biện pháp PVTM. Đặc biệt, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu quả điều tra và ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng. Đồng thời tham gia tích cực vào Đề án “Đẩy mạnh áp dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực PVTM”, tạo cơ sở dữ liệu cảnh báo hiệu quả cho doanh nghiệp về khả năng bị điều tra các biện pháp PVTM, các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM, danh sách cảnh báo được xây dựng và cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp có thể linh hoạt xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Cùng với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì việc giới thiệu, thẩm định công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký xây dựng chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến và phát hành tập san về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) để các doanh nghiệp nắm được và thực hiện, tránh những “lỗi kỹ thuật” không đáng có mà các thị trường trong khối EU đặt ra để hạn chế hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của EVFTA. Chỉ đạo Văn phòng TBT thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng các văn bản pháp quy về kỹ thuật; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương; thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định TBT... Thường xuyên cập nhật thông tin của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn... Đồng thời thống kê, rà soát 109 văn bản quy phạm pháp luật liên quan do UBND tỉnh ban hành, phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với các văn bản pháp luật và các cam kết quốc tế, cam kết của WTO nói chung và Hiệp định TBT nói riêng. Định kỳ hàng tháng cập nhật các thông tin, phổ biến Hiệp định TBT và các vấn đề liên quan văn bản kỹ thuật, đặc điểm một số thị trường xuất khẩu lớn và cảnh báo của các nước thành viên WTO… tập hợp thành “Bản tin TBT” phát cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong các ngành hàng: Dệt may, chế biến nông sản, thủy sản, dược phẩm, mỹ phẩm... Phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam, Trung tâm Năng suất Việt Nam và Trung tâm Đào tạo thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, các công cụ cải tiến chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt các quy định của WTO, EVFTA nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời đầu tư trang thiết bị lưu giữ và cung cấp cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các loại hàng hóa… đáp ứng cơ bản nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hoặc hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có lợi thế của tỉnh.
Cùng với sự chuẩn bị tích cực của cả bộ máy chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng đã có những đổi mới rõ nét để thích ứng với việc hội nhập thị trường của các quốc gia trong EU. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản, dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí đã không ngừng đầu tư công nghệ mới, chủ động nguồn nguyên liệu hàng hóa, đảm bảo quy tắc xuất xứ, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vào quá trình tổ chức sản xuất từ khâu lựa chọn giống, đảm bảo điều kiện vùng nuôi trồng đến chế biến; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa và đăng ký sử dụng mã truy xuất nguồn gốc điện tử QR code cho sản phẩm để vượt qua hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trong tỉnh tiếp cận với thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.
Nỗ lực PVTM là điều kiện đủ để các ngành chức năng, các doanh nghiệp góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề khi hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh đề ra./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương