Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đặc biệt là những mặt hàng kinh doanh ăn uống, nước giải khát, quần áo… buộc những người kinh doanh phải có những giải pháp để thích ứng và từng bước vượt qua khó khăn.
Các cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) có nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng. |
Trên địa bàn tỉnh, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường nên mọi người dân đều có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Trung ương và của tỉnh đề ra như: Hạn chế đến nơi đông người, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Các cơ sở kinh doanh không phải là hàng hóa thiết yếu đều tạm thời đóng cửa theo quy định. Chị Nguyễn Thị Giang, chủ cửa hàng quần áo trên đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) chuyên bán hàng Quảng Châu (Trung Quốc). Hơn 2 tháng nay lượng khách đến mua ngày càng ít, đặc biệt từ 1-4 đến nay phải đóng cửa hoàn toàn trong khi những chi phí cố định như tiền thuê nhà, người trông cửa hàng, chi phí điện, nước… vẫn phải trả. Vì thế chị phải quảng cáo trên mạng xã hội và các trang mạng bán hàng trực tuyến; áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như miễn phí ship trong bán kính 2km, tặng voucher khi mua hàng… để kích cầu. Nhờ vậy, doanh thu cửa hàng của chị vẫn đủ để trang trải các chi phí. Còn tại một cửa hàng trên phố Quang Trung, nhân viên thường xuyên trực tiếp giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội vào các khung giờ vàng trong ngày để thu hút khách hàng. Chị Nguyễn Thị Tú, chủ cửa hàng cho biết: “Hình thức livestream giới thiệu sản phẩm, cửa hàng chị đã thực hiện từ lâu. Nhưng từ khi có dịch bệnh, khách hàng đến mua ít nên cửa hàng phải thực hiện thường xuyên hơn. Do đó, khách hàng thấy được sản phẩm thực tế mà không cần trực tiếp qua cửa hàng”. Anh Đỗ Dương Hoạt, chủ nhà hàng ăn nhanh Two Two trên đường Trần Thánh Tông, phường Hạ Long đang tìm nhiều cách tăng lượng hàng bán ra. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của UBND tỉnh về không tụ tập đông người nên cửa hàng anh đã đóng cửa không nhận khách vào ăn uống mà chỉ nhận giao đồ tới tận nhà. Để giữ chân khách hàng và tăng lượng hàng bán ra anh tổ chức bán hàng qua mạng hoặc đặt hàng qua điện thoại, giao đồ ăn đến tận nhà cho khách. Để tăng lượng tiêu thụ hàng hoá trong bối cảnh người tiêu dùng ngại tiếp xúc chỗ đông người, cửa hàng đang đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, internet hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng. “Sau khi có đơn hàng, tôi vận chuyển giao hàng đến tận nhà cho khách, nhờ đó đến nay lượng đơn hàng bán qua kênh này mỗi ngày tăng khoảng 15-20% so với thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19.
Ngoài các cửa hàng kinh doanh thời trang, ăn uống, trên địa bàn thành phố Nam Định hình thức bán hàng trực tuyến cũng được nhiều cửa hàng điện tử áp dụng như: Tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán trực tuyến, mua hàng trả góp… được nhiều chủ cửa hàng điện thoại trên phố Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Du)… áp dụng. Anh Nguyễn Minh Đức, chủ một cửa hàng buôn bán điện thoại cho biết, bình thường cứ sau đợt Tết Nguyên đán, nhiều mẫu điện thoại ra mắt sẽ thu hút sự quan tâm lớn của người dùng; tuy nhiên, dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh. Cửa hàng của anh đã phải đa dạng hóa các hình thức thanh toán như trả góp với lãi suất 0%, thanh toán online, đồng thời tung ra nhiều gói dịch vụ bảo hành để người dùng có thể yên tâm mua sắm. Hiện nay, xu hướng mua sắm online hay mua sắm trực tuyến đang nở rộ và phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây; nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh.
Dịch bệnh COVID-19 đang gây ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân và sản xuất kinh doanh; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, cửa hàng buôn bán nhỏ. Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần có sự đổi mới để thích ứng với hoàn cảnh, tìm hướng đi mới phù hợp, bền vững./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh