Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân tập trung cao vào mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ khô… Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, sẵn sàng các phương án cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong các tình huống dịch bệnh. PV Báo Nam Ðịnh đã phỏng vấn đồng chí Ðặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này.
Hàng nông sản đầy ắp tại Siêu thị BigC phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. |
PV: Xin đồng chí cho biết ngành Công Thương tỉnh đã chỉ đạo công tác bảo đảm nguồn cung, ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong đại dịch như thế nào?
Ðồng chí Ðặng Ngọc Rung: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh về việc bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công Thương đã chủ động tổ chức rà soát khả năng cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất trong tỉnh đối với các vật tư phòng dịch; theo dõi diễn biến cung cầu; khảo sát, đánh giá thực trạng giá cả thị trường cũng như lên kế hoạch, dự kiến nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Ðồng thời làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa dịch để chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ. Theo đó, hệ thống Siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; Siêu thị Co.opMart Nam Ðịnh đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường. Các cơ sở cung ứng hàng hóa đầu mối và các chợ lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu bảo đảm lượng hàng hóa, giá bán ổn định. Ðến thời điểm hiện tại, 35 siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn đã đảm bảo số lượng hàng hóa dự trữ gồm: 2.181 tấn gạo; 175 tấn thịt lợn; 108 nghìn quả trứng; 265 tấn thủy sản; 119 tấn rau củ; 663.120 gói mỳ tôm; 300 tấn muối ăn; 570.350 lít dầu ăn; 171,756 lít nước đóng chai; 220 nghìn khẩu trang y tế; 2.500 lít nước sát khuẩn và trên 30 nghìn cuộn giấy vệ sinh. Theo ước tính phương án xấu nhất khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh ta với khoảng 500 nghìn người phải cách ly, lượng lương thực, thực phẩm cần dùng tối thiểu trong 14 ngày là 420 tấn gạo; 31,5 tấn thịt lợn, 35 tấn thịt gà; 350 nghìn quả trứng… Như vậy với số lượng hàng hóa các doanh nghiệp trong tỉnh đã có kế hoạch dự trữ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh trong một thời gian dài. Tại thời điểm này, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định. Nhiều siêu thị còn kết hợp tổ chức tiêu thụ nông sản cho nông dân trong khi không xuất khẩu được với chương trình hỗ trợ khách hàng nên giá nhiều mặt hàng giảm, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Riêng đối với mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, đã có 2 doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất với sản lượng 220 nghìn chiếc/ngày đáp ứng nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch cho nhân dân. Ðồng thời công khai danh sách 35 đơn vị cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn trên địa bàn toàn tỉnh để nhân dân mua sắm phòng, chống dịch bệnh. Là tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với năng lực mỗi năm sản xuất được trên 950 nghìn tấn lúa, 400 nghìn tấn rau, củ các loại; 200 nghìn tấn thịt hơi, trên 140 nghìn tấn thủy, hải sản… đã cơ bản đủ cho tiêu dùng nội tỉnh. Ngoài ra còn có nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác cung ứng thêm và hàng hóa do các siêu thị chủ động luân chuyển trong hệ thống trên toàn quốc. Bên cạnh đó, đã có thỏa thuận theo ngành dọc giữa Bộ Công Thương và các tỉnh cam kết hỗ trợ nhau trong lúc có biến động lớn của dịch bệnh nên nguồn cung hàng hóa luôn ổn định, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, không để thiếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.
PV: Xin đồng chí cho biết trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài phương án cung ứng hàng hóa được tổ chức ra sao?
Ðồng chí Ðặng Ngọc Rung: Ngay từ khi nhận thông tin về dịch bệnh, Sở Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó các cấp độ của dịch bệnh, bao gồm cả phương án cho tình huống xấu nhất để đảm bảo phân phối, cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong toàn tỉnh. Trong đó, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đa dạng kênh cung ứng sản phẩm thay cho cách bán hàng truyền thống; tổ chức các gian hàng lưu động để tránh tập trung đông người mua hàng cùng một điểm. Trong trường hợp trên địa bàn tỉnh phát sinh dịch bệnh cần cách ly diện rộng, Sở có phương án kết nối và phân phối hàng hóa đến các địa bàn trọng điểm; phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân khu vực cách ly khi dịch bệnh xảy ra. Ðồng thời chủ động giám sát chặt chẽ việc bán hàng nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá trục lợi người tiêu dùng. Do đó người dân cần hết sức bình tĩnh trong công tác mua sắm, không tích trữ, dồn mua gây lãng phí và ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương