Ví điện tử là một tài khoản online, có chức năng thanh toán trực tuyến, giúp thanh toán các loại phí trên nền tảng internet như tiền điện, nước, cước viễn thông; mua hàng online từ các trang thương mại điện tử thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hình thức thanh toán này vô cùng đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm về cả thời gian, tiền bạc so với ví truyền thống. Trên cả nước hiện có 23 loại ví điện tử của 27 công ty trung gian thanh toán (fintech) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, mỗi loại ví điện tử đi theo phân khúc khách hàng riêng biệt, nhưng có điểm chung là không thu phí giao dịch và đặc biệt luôn khuyến mại trực tiếp bằng tiền cho người dùng. Bên cạnh những tiện ích như thanh toán nhanh, gọn, không dùng tiền mặt, ví điện tử cũng bộc lộ nhiều bất cập về quản lý tài khoản, dòng tiền luân chuyển giữa các ngân hàng hay bảo mật thông tin khách hàng.
Để nạp tiền vào ví điện tử, người dân phải sử dụng tài khoản ngân hàng chính chủ với thông tin chính danh đầy đủ rõ ràng. |
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, việc quản lý ví điện tử hiện nay còn nhiều bất cập do thực tế một người dùng có thể cùng lúc tạo tài khoản trên nhiều ví điện tử; tài khoản của khách hàng sẽ được quản lý, giao dịch bởi nhiều nguồn khác nhau (ngân hàng, đơn vị cung ứng ví điện tử, đơn vị bán hàng). Vì vậy, khi có sự cố xảy ra cũng rất khó quy trách nhiệm pháp lý mỗi bên. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất của ví điện tử đó là tính bảo mật. Những sự cố như mất điện thoại hoặc bị đánh cắp thông tin bảo mật khi khách hàng sử dụng ví điện tử để đặt hàng, thanh toán tại nhiều điểm dịch vụ hay các website bán hàng khác nhau vẫn là điều khó tránh khỏi. Một điểm yếu khác từ các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử là chưa xây dựng được một hệ thống các cửa hàng, đại lý kinh doanh cung cấp sản phẩm linh động cho người có nhu cầu, chủ yếu vẫn phát triển theo hình thức cộng sinh với các ngân hàng. Ngoài ra, hành lang pháp lý về quản lý hoạt động ví điện tử chưa đáp ứng thực tế bùng nổ về giao dịch qua ví điện tử hiện nay. Cụ thể, tại Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11-12-2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán chỉ có 1 điều về ví điện tử, trong đó có quy định việc nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng, song không quy định cụ thể hạn mức tối đa.
Trước thực trạng trên, ngày 22-11-2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán có hiệu lực từ ngày 7-1-2020. Theo đó, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, để siết chặt việc quản lý kiểm soát thông tin chủ ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin cung cấp. Các thông tin cá nhân định danh như chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu… đều phải chính xác, đầy đủ. Chủ ví điện tử cũng không được cho thuê, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử. Khách hàng muốn nạp tiền vào ví điện tử phải thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ATM của khách hàng là chủ ví điện tử; nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví mở. Nghiêm cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử. Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào... Ngoài ra, Thông tư quy định tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép phát hành hơn một ví điện tử cho một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử nhằm tránh lãnh phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng ví điện tử không thực chất, hoặc lợi dụng mở nhiều ví điện tử để thực hiện hành vi rửa tiền, bất hợp pháp. Đây cũng là giải pháp ngăn ngừa tình trạng có những món tiền được lấy cắp do chiếm đoạt tài khoản, mã OTP, lừa đảo người sử dụng qua website rồi chuyển tiền từ ngân hàng vào ví điện tử. Với cơ chế xác thực thông tin bắt buộc theo Thông tư 23 thì việc thu hồi được số tiền đó sẽ đơn giản, dễ dàng hơn bởi thông tin người gửi và người nhận sẽ được xác định rõ. Các cơ quan quản lý cũng dễ dàng truy xuất thông tin, xử lý sự cố xảy ra phù hợp với các quy định về phòng chống rửa tiền. Đặc biệt, một điểm mới theo quy định của Thông tư là các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử, bảo đảm cho phép giám sát tổng số lượng ví điện tử.
Việc ra đời và thực thi Thông tư 23/2019/TT-NHNN sẽ giảm thiểu rủi ro về lợi dụng để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp trong giao dịch điện tử, thúc đẩy hơn nữa thanh toán không tiền mặt của người dân. Đồng thời, tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát hoạt động giao dịch điện tử từ phía Nhà nước, góp phần tạo môi trường tiền tệ lành mạnh, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0 mạnh mẽ./.
Bài và ảnh: Đức Toàn