Tăng cường kiểm soát giá dịch vụ, hàng hóa những tháng cuối năm

08:10, 21/10/2019

Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của tỉnh tháng 9 tăng 1,25% so với tháng 8 và tăng 3,99% so với tháng 12-2018; bình quân 9 tháng tăng 3,77% so với cùng kỳ. Mặc dù nằm trong biên độ dao động cho phép nhưng vẫn cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc bình quân 9 tháng đầu năm 1,27%. Để bình ổn thị trường dịch vụ, hàng hóa những tháng cuối năm, các ngành chức năng đang tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về công tác kiểm soát giá, góp phần tạo thuận lợi cho tiêu dùng, sản xuất.

Hàng hóa được niêm yết giá tại Siêu thị Country mart (Hải Hậu).
Hàng hóa được niêm yết giá tại Siêu thị Country mart (Hải Hậu).

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG) tăng theo giá thế giới, trong đó, giá xăng dầu tăng 4 đợt từ tháng 3 đến tháng 5-2019; tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu Nhà nước quản lý (điện, nước sinh hoạt, sách giáo khoa); giá một số nhóm hàng tiêu dùng phục vụ Tết tăng theo quy luật; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng, chi phí đầu vào tăng. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 3 nhóm hàng tăng giá mạnh là nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 1,15%; giao thông tăng 6,89%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,31%. Dự báo những tháng cuối năm 2019 bên cạnh việc tăng giá hàng hóa do quy luật thị trường thì các yếu tố gây ảnh hưởng khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao được nhắc đến là thịt lợn (do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi), vật liệu xây dựng, xăng dầu. Trước tình hình này, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương kịp thời cung cấp thông tin về quản lý điều hành giá đối với nhóm hàng hóa được phân công phụ trách cho các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm soát việc công khai, minh bạch những yếu tố cấu thành giá của những hàng hóa quan trọng liên quan nhiều đến đời sống người dân để phòng ngừa ngăn chặn đầu cơ tăng giá bất hợp lý để trục lợi. Đối với một số mặt hàng dự báo sẽ có nhiều biến động như lương thực, thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng, dầu, LPG… các ngành chức năng cần chủ động rà soát, xây dựng kịch bản cân đối cung - cầu để bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết. Chủ động rà soát để tích cực giảm giá các mặt hàng có khả năng như thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, phí sử dụng đường bộ BOT. Tiếp tục kiểm soát chi phí liên quan đến đóng góp của cha mẹ học sinh, hội phụ huynh. Các ngành chức năng Tài chính, Công Thương, Quản lý thị trường, Thuế, Y tế… đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý đảm bảo bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, các Sở: Tài chính, Công Thương tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời tham mưu đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật. Chủ động giám sát, rà soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp đối với các mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá. Trong quá trình kiểm tra, chú trọng rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước và mặt bằng giá cả thị trường để hướng dẫn, yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện kê khai giá phù hợp. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành với UBND các huyện, thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về giá cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc định giá, đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Sở Công thương chủ động theo dõi sát tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh, tham mưu với UBND tỉnh kịp thời có các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, giám sát về giá cả và chất lượng hàng hóa. Có kế hoạch tạo nguồn hàng dự trữ, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết Dương lịch, lễ Giáng sinh, mùa cưới, Tết Nguyên đán… để kiềm chế tăng giá. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như cước vận tải, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết: Đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc, xi măng, sắt thép xây dựng. Đồng thời, sẽ rà soát chặt chẽ các yếu tố cấu thành giá các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng tăng giá hàng hóa đột biến, bất hợp lý./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com