Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản địa phương

08:10, 30/10/2019

Thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển nhanh, tạo ra khối lượng nông sản ngành Nông nghiệp, hàng hóa lớn, từng bước hội nhập thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Tuy nhiên sức cạnh tranh nông sản nhìn chung còn thấp, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Để đảm bảo mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2019 đạt 4,6%/năm theo Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, các ngành chức năng, doanh nghiệp và người nông dân cần thực thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh nông sản hàng hóa.

Đóng gói nông sản chế biến tại Hợp tác xã Thương mại dịch vụ xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Đóng gói nông sản chế biến tại Hợp tác xã Thương mại dịch vụ xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Mới tham gia ngành chế biến nông sản sấy khô nhưng sản phẩm ngô, khoai lang, khoai tây, chuối sấy… của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa. Có được thành công này, Công ty đã đầu tư dây chuyền sấy chân không hiện đại để cho ra đời sản phẩm nông sản sấy giòn ngon, giữ nguyên hương vị tươi tự nhiên và không sử dụng dầu chiên cũng như chất bảo quản. Từ những nông sản cơ bản này, Công ty nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ, người già, người ăn kiêng như khoai tây sấy lắc phomai, khoai sấy mật ong, gạo lứt sấy muối mè, ngũ cốc sấy… Giá trị nông sản đã tăng 300% so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu. Hiện tại, mỗi năm Công ty thu mua hàng nghìn tấn nông sản tươi của địa phương và các tỉnh lân cận, cung ứng ra thị trường khoảng 300 tấn ngô sấy, 200 tấn khoai lang sấy và 100 tấn chuối sấy thông qua hệ thống hơn 60 nhà phân phối, 280 đại lý bán hàng, 155 siêu thị bán sản phẩm trên khắp cả nước, tập trung ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam. Đối với sản phẩm ngao sạch, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam ban đầu chỉ xuất khẩu ngao nguyên vỏ, đến nay, Công ty đã phát triển được hơn 10 mặt hàng, trong đó có nhiều món ăn chế biến sẵn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: canh ngao ăn liền, chả giò ngao, bim bim ngao; ứng dụng công nghệ chế biến các phụ phẩm nước cốt ngao, nước giải khát; mỹ phẩm và thức ăn chăn nuôi làm từ vỏ ngao… Nhờ đó không chỉ nâng tầm giá trị con ngao mà còn mở hướng tiêu thụ nguyên liệu ngao nuôi, tránh tình trạng phụ thuộc vào thương lái, bị ép cấp, ép giá như trước đây. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) trước đây chỉ chuyên sản xuất, chế biến gạo thương phẩm cung ứng cho các bếp ăn tập thể và người tiêu dùng, ngoài sản phẩm gạo hữu cơ nay đã phát triển chế biến sản phẩm sau sản xuất hạt gạo như trà gạo lứt, sữa gạo, mỹ phẩm từ cám gạo… để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo. 2 năm trở lại đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại muối sạch Nam Định mới tổ chức nghiên cứu, chế biến thêm nhiều dòng sản phẩm cao cấp khác nhau từ hạt muối truyền thống như: bột canh nấm bào ngư; muối biển nhạt (dùng cho người ăn kiêng, người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp); muối thảo dược dùng để chăm sóc sức khỏe như ngâm, tắm, dưỡng da… Những sản phẩm này có giá bán cao gấp 500% so với bán nguyên liệu thô ban đầu. Đặc biệt sản phẩm muối biển nhạt còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhờ đầu tư cho công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bước phát triển mới này không chỉ mở ra tín hiệu tích cực trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm nông sản hàng hóa mà còn giúp các doanh nghiệp có nhận thức đúng hơn trong việc xây dựng định hướng phát triển sản phẩm, quan tâm đúng mức đến vấn đề kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã bao bì, tem nhãn, chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng website quảng bá sản phẩm… Ngoài chỉ tiêu chất lượng thì đây là những điều kiện đủ để nâng tầm nông sản trên thương trường.

Tuy nhiên những kết quả nỗ lực này vẫn còn quá nhỏ và chưa xứng với năng lực khai thác, sản xuất nông sản của tỉnh. Chỉ có một Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương dù mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn tấn nguyên liệu vẫn là quá nhỏ so với năng lực sản xuất 450 nghìn tấn rau, củ các loại của nông dân toàn tỉnh; hay như lượng ngao chế biến thành nước giải khát, đồ ăn nhanh chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với hơn 36 nghìn tấn ngao khai thác mỗi năm. Ngoài ra chất lượng nông sản nguyên liệu không ổn định khiến doanh nghiệp vẫn phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố khác cũng là một bất cập. Do đó phần lớn nông sản của tỉnh vẫn chủ yếu xuất bán ở dạng thô, giá trị kinh tế không cao. Sản phẩm không đa dạng mẫu mã, không có khả năng cung ứng số lượng lớn, bao bì chưa hấp dẫn và chưa đảm bảo điều kiện truy xuất nguồn gốc… Nguyên nhân của những hạn chế này được xác định do sản xuất còn manh mún, năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng sản phẩm không ổn định. Vùng nông sản hàng hóa bước đầu hình thành nhưng còn phân tán, vận chuyển khó, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và thâm nhập thị trường quốc tế; thiếu nhân lực chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và chế biến.

Để tháo gỡ những hạn chế trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất hàng hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các các vùng, ngành, thậm chí của từng sản phẩm để phát huy lợi thế của địa phương, gắn quy hoạch theo nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và ngân hàng. Tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức để nông dân tăng năng lực nắm bắt thị trường đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com