Việc ứng dụng công nghệ số phát triển các dịch vụ tiện ích ngân hàng được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai và mang đến nhiều lợi ích cho người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng công nghệ và sự thiếu kiến thức, thông tin của không ít người để lừa đảo, trục lợi đang gây nhiều bất ổn. Các ứng dụng cho vay tiền online khiến nhiều người có nguy cơ “sập bẫy” tín dụng đen nếu không cẩn trọng.
Để tránh sập bẫy “tín dụng đen” công nghệ, người dân nên vay vốn ưu đãi của hệ thống ngân hàng chính thống. (Trong ảnh: Hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi tại Agribank Giao Thuỷ). |
Không khó để tìm địa chỉ cho vay tiền online, chỉ cần vào trang Google hoặc gõ tìm kiếm trên kho ứng dụng Android của bất kỳ điện thoại thông minh nào, người ta có thể dễ dàng thấy hàng trăm ứng dụng cho vay tiền online với những lời chào mời, cam kết hấp dẫn như vĐồng: Chỉ 30 phút, vay từ 1,5 đến 20 triệu đồng - Vay không cần chờ đợi; 360vay, BaGang, Hot Vay, Dễ vay, iDong, Vinvay, Vay vui vẻ, Vay hạnh phúc... được giới thiệu tư vấn tài chính cho các khoản vay cầm cố, tiêu dùng ngắn hạn với số tiền từ 1 đến 20 triệu đồng, kỳ hạn vay từ 10, 14, 20 hoặc 30 ngày. Ứng dụng BaGang được giới thiệu là ứng dụng chuyên cung cấp các khoản vay cho khách hàng nhanh chóng, dễ dàng và không cần thế chấp; sản phẩm vay từ 1 đến 20 triệu đồng; thời hạn vay từ 91 ngày đến 120 ngày. Lãi suất không quá 19,71%/năm (không thu thêm bất kỳ phí nào khác). Điều kiện được vay khá đơn giản gồm người vay trên 18 tuổi, là công dân Việt Nam, có tài khoản ngân hàng và có thu nhập. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay tiền mặt, không cần hộ khẩu, gặp mặt trực tiếp, không thế chấp tài sản, chỉ cần tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay. Chỉ vài giờ sau khi hoàn tất các nội dung, tiền sẽ được gửi vào tài khoản cá nhân. Có thể nói, các ứng dụng vay tiền online đều vô cùng hấp dẫn với người cần tiền giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng vay. Tuy nhiên, khi đã bước chân vào giao dịch vay tiền này, nhiều người vay mới “vỡ lẽ” mặt trái của nó tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy gây mất ổn định trật tự xã hội. Hầu hết ứng dụng này thông báo lãi suất vừa phải, có khi thấp hơn lãi suất của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Tuy nhiên, đến khi duyệt vay xong, lãi suất thực sẽ được tính theo cách khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với mức duyệt cho vay ban đầu với đủ lý do như: phí dịch vụ, phí trả chậm, phí gia hạn... Em N.K.Thành, sinh viên Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định cho biết: Năm học đầu tiên do chưa có kinh nghiệm quản lý tiền bạc, cuộc sống thành phố với nhiều chi phí cao hơn so với ở quê nên số tiền sinh hoạt phí gia đình cho em sớm tiêu hết. Lúc đó, qua bạn bè giới thiệu, em biết đến dịch vụ vay tiền nhanh của BaGang trên điện thoại di động. Ban đầu, em chỉ vay 1 triệu đồng trong 20 ngày, số tiền thanh toán là 1 triệu 140 nghìn đồng vào cuối kỳ đáo hạn. Thủ tục vay nhanh gọn khi ứng dụng chỉ cần tạo hồ sơ vay tiền cùng tài khoản bằng số điện thoại, cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại, kho ảnh dữ liệu trên điện thoại và chụp ảnh chân dung, chứng minh nhân dân/căn cước công dân và cung cấp tài khoản tại một ngân hàng bất kỳ có liên kết với ứng dụng. Nộp hồ sơ được vài giờ thì em nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên công ty tài chính gọi để xác định khoản vay. Chỉ đến chiều trong ngày, em đã nhận được số tiền là 700 nghìn đồng. Số tiền 300 nghìn đồng được bên cho vay giữ lại trừ trước tiền phí vay và lãi suất. Trong vòng 20 ngày, em phải trả lại đầy đủ 1 triệu 140 nghìn đồng. Nếu trả trễ hạn sẽ bị phạt mỗi ngày từ 100 đến 300 nghìn đồng chưa tính khoản lãi. Lần vay này, em trả đúng hạn nên hạn mức vay được tiếp tục nâng lên. Tuy nhiên, đến các lần vay sau, cả phí dịch vụ lẫn lãi suất đặc biệt khoản tiền phạt trả chậm, gia hạn đều tăng đến mức “không tưởng”. Tính ra, tỷ lệ lãi suất sẽ khoảng 15-20%/tháng và 180-240%/năm. Đến lúc này, bộ mặt thật của “tín dụng đen” bắt đầu bộc lộ với các hình thức đe doạ thông báo với nhà trường, hay gọi điện về các số điện thoại người thân đòi tiền, phát tán công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Rất may, khi cùng đường Thành đã mạnh dạn nhờ gia đình giúp đỡ nên thoát được bẫy “tín dụng đen” này. Theo cơ quan chức năng, hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng di động thực chất là một dạng “tín dụng đen” biến tướng bằng công nghệ và lách luật để hoạt động. Phương thức cho vay áp dụng công nghệ cao làm người dân ít kinh nghiệm dễ tin vào hoạt động này, cung cấp thông tin hình, ảnh để đăng ký vay và đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hầu hết các ứng dụng đều đòi quyền truy cập trực tiếp vào điện thoại của khách hàng nên hoàn toàn có khả năng lộ thông tin cá nhân. Đây là một chiêu bài lợi dụng sơ hở của khách hàng để dễ bề khống chế, đe doạ. Hơn nữa, tất cả giao dịch đều là trực tuyến, không có giấy tờ chứng minh, khi xảy ra tranh chấp, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là khách hàng bởi thông tin về bên cho vay đều rất mơ hồ không rõ ràng về địa chỉ. Đã có vụ việc sau khi điều tra thì phát hiện chủ sở hữu của công ty bên cho vay còn là người Trung Quốc (?!). Đã có nhiều người vay vào cảnh nợ nần không lối thoát khi trót vay tiền từ các ứng dụng online. Các đối tượng dễ dính bẫy “tín dụng đen” công nghệ đều là người dân nghèo, ít hiểu biết công nghệ, học sinh, sinh viên, người có nhu cầu vay vốn gấp…
Để ngăn chặn hậu hoạ bẫy “tín dụng đen” công nghệ, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức thủ đoạn, hoạt động để người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết rõ về hình thức tín dụng “trá hình” này mà tránh xa các loại hình vay online trên. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng hướng dẫn người dân tiếp cận với các dịch vụ vay vốn từ hệ thống ngân hàng với lãi suất ưu đãi phù hợp. Kiến nghị các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng nền tảng trên điện thoại thông minh loại bỏ các ứng dụng cho vay online với lãi suất “cắt cổ” vi phạm pháp luật. Đối với người vay khi tiếp cận lựa chọn sản phẩm tín dụng nào cũng cần tìm hiểu, tham vấn kỹ các thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan, tránh vội vã “bút sa”, nhấn nút để rồi gánh hậu quả khôn lường./.
Bài và ảnh: Đức Toàn