Gian lận thương mại bằng hình thức dán nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho hàng không phải nội địa ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây rất nhiều mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước như quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng phải gắn mác, thương hiệu nước ngoài để dễ bán và được giá cao, thì hiện nay lại xuất hiện thêm tình trạng hàng nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng được gắn mác “made in Vietnam” để tiêu thụ ở cả trong nước và xuất khẩu. Thực trạng này một mặt cho thấy uy tín thương hiệu hàng Việt đã được nâng cao ở cả thị trường trong nước và quốc tế, song mặt khác cũng gây nguy hại khôn lường bởi nó khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào các thương hiệu hàng sản xuất trong nước, còn doanh nghiệp thì mất thị trường.
Liên ngành Quản lý thị trường và Công an tỉnh phối hợp kiểm tra nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại thành phố Nam Định. |
Theo Cục Quản lý thị trường Nam Định, thời gian qua, lực lượng đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài về Việt Nam có gắn mác “made in Vietnam”. Các mặt hàng bị phát hiện, thu giữ đa chủng loại từ nông sản, thủy sản, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, túi xách, linh kiện điện tử, vải da, đến thiết bị vật liệu xây dựng… Trong đó, nhiều mặt hàng như quần áo may sẵn, giày dép, rau củ quả thường bị nhái mác hàng Việt với thủ đoạn tinh vi. Ví như rau bắp cải Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam bán trái vụ thường được các thương lái nói là rau Đà Lạt; khoai tây nhập khẩu thường được các thương lái cho “tắm” đất đỏ bazan của vùng Bảo Lộc, Lâm Đồng để đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt một số sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh ta như máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, dụng cụ cầm tay của làng nghề Xuân Tiến (Xuân Trường), làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực); sản phẩm nước mắm Ninh Cơ; các loại dược liệu ngưu tất, đương quy, đẳng sâm, thìa canh, củ đinh lăng của các xã Đại Thắng (Vụ Bản), Hải Xuân, Hải Anh, Hải Toàn (Hải Hậu)… thường xuyên bị giả mạo bởi các hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, rất nhiều mặt hàng khác như: mì chính, nước mắm, hạt nêm, đường được các tư thương nhập nguyên liệu, đặt in bao bì ở nước ngoài với các nội dung hàng sản xuất trong nước mang về và đóng gói tiêu thụ. Riêng sản phẩm mì chính nhập ngoại không rõ nguồn gốc đội lốt hàng sản xuất trong nước lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ ở cả 10 huyện, thành phố. Qua đấu tranh khai thác, hầu hết các chủ cơ sở đều khai nhận mua mì chính đóng trong bao loại 50 kg/bao với giá rẻ, kèm theo vỏ túi các nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon. Mặc dù biết là vi phạm pháp luật nhưng do lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với sản phẩm chính hãng, lại có người mang đến cung cấp tận nhà từ nguyên liệu, bao bì và máy ép nên một số tư thương đã “nhắm mắt làm liều”. Cùng phương thức, thủ đoạn này, hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội đầu, nước giải khát, bột chiên giòn, bột nêm, gia vị các loại không rõ xuất xứ, chất lượng kém được đóng gói trong bao bì, nhãn mác hàng chính hãng thương hiệu Việt để tiêu thụ. Riêng nhóm hàng may mặc thường được các tiểu thương mua hàng may sẵn giá rẻ ở Trung Quốc về cắt bỏ tem nhãn, hoặc đính kèm nhãn mác Việt chung chung như “made in Việt Nam”, Như Quỳnh, Hoa Mai, Bảo Ngọc… Các loại sản phẩm này được đổ đống bán giá rẻ trên vỉa hè dọc các tuyến phố Văn Cao, Trần Đăng Ninh, Hàn Thuyên (Thành phố Nam Định). Nhiều người tiêu dùng do thiếu thông tin và kinh nghiệm để phân biệt hàng thật, hàng giả mua nhầm nên các gian thương tiêu thụ khá dễ dàng. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nam Định, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389/ĐP) cho biết: nắm bắt tâm lý người tiêu dùng quay lưng với hàng Trung Quốc giá rẻ kém chất lượng, trở lại sử dụng hàng Việt, nhiều sản phẩm đã được “phù phép” mang nhãn mác “made in Vietnam”. Trong tháng 3-2019, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuần tra, phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 17C-07751 đang dừng tại đường Trần Thánh Tông (Thành phố Nam Định) chuẩn bị giao hàng có nhiều biểu hiện gian lận thương mại. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trên xe có 160 chiếc chiếu tre các kích cỡ từ 1,6m đến 1,8m gắn nhãn mác hàng sản xuất trong nước nhưng không rõ nguồn gốc. Theo lời khai ban đầu của chủ hàng, số hàng trên được mua ở Trung Quốc và yêu cầu gắn nhãn mác tiếng Việt “VN Tây Bắc” để về bán tại Việt Nam.
Hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất tại nước ngoài gắn mác “made in Vietnam” nhập về Việt Nam để tiêu thụ, hoặc xuất đi nước thứ 3 gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu Việt. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do chuỗi sản xuất, phân phối nông sản, hàng công nghệ phẩm trong nước còn lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại chưa cao, nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp còn chưa có ý thức bảo vệ sản phẩm của mình. Đường đi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng của hàng hóa qua quá nhiều khâu mà không được quản lý chặt chẽ. Việc sử dụng mã số, mã vạch, QR Code ở sản phẩm nông sản… mới chỉ bắt đầu ứng dụng nên không thể kiểm soát được hết sản phẩm trên thị trường. Mặc dù tình trạng hàng nhập lậu gắn mác hàng hóa sản xuất trong tỉnh để xuất khẩu sang nước thứ 3 chưa xảy ra nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín của địa phương cũng cần nâng cao cảnh giác, quan tâm đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối, ghi nhãn hàng hóa và quy định tiêu chí chất lượng cho từng loại sản phẩm cụ thể để phòng ngừa bị làm giả, làm nhái.
Để tiếp tục giữ ổn định thị trường, đấu tranh ngăn chặn hàng nước ngoài giả nhãn mác hàng Việt, Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Cục Quản lý thị trường đã xây dựng chuyên án kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại. Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.113 vụ sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 1 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cảnh báo tác hại của sản phẩm nhái cũng như cách phân biệt hàng thật, hàng nhái để người tiêu dùng biết khi mua hàng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng hàng ngoại nhái mác nội, tạo môi trường lành mạnh cho hàng nội địa phát triển, các doanh nghiệp trong nước cần coi trọng công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân biệt xác định phát hiện hàng giả, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Các ngành chức năng cần hoàn thiện cơ chế phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, tạo hàng rào pháp lý đủ mạnh làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải cẩn trọng khi mua sắm hàng hóa, trang bị một số kiến thức tiêu dùng cơ bản như không sử dụng nông sản trái mùa giá rẻ để tránh mua phải hàng ngoại rởm đội lốt hàng nội./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương