Trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

08:07, 01/07/2019

"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong 3 cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc chủ trì phát động. Triển khai cuộc vận động, 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và đạt được những kết quả tích cực.

Sản xuất sợi tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.
Sản xuất sợi tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đưa các nội dung thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua của các đơn vị. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố đã triển khai tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn và các tổ chức thành viên cùng cấp. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh về “Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” tổ chức các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo các chương trình, chủ đề: cách nhận biết phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, thuốc lá lậu; thông tin những địa chỉ, nhãn hàng, nhà cung cấp tin cậy để người dân không bị sử dụng những sản phẩm giả, kém chất lượng, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng... Từ năm 2014, sau khi có Quyết định số 217 về Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát, trong đó có nội dung phối hợp với các sở, ngành liên quan giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đầu vào của vật tư nông nghiệp tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thành phố đã triển khai ký kết chương trình phối hợp giám sát liên ngành, qua đó đã nâng cao nhận thức của nông dân về sử dụng vật tư nông nghiệp, không sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức ký kết giao ước thi đua với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, trong đó có nội dung thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị đã hướng dẫn triển khai cuộc vận động đến cán bộ, hội viên; tăng cường phối hợp trong phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ. Cụ thể như: Các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý; không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi… Để cung cấp tới nông dân sản phẩm Việt có thương hiệu, uy tín và đảm bảo quy trình sản xuất, các cấp Hội phối hợp với các doanh nghiệp như: Công ty Tiến Nông, Lâm Thao, Ninh Bình, Văn Điển, Con Heo Vàng... cung ứng hàng nghìn tấn phân bón, thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm cho nông dân, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Hàng năm tổ chức và phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các công ty, doanh nghiệp tổ chức trên 2.000 buổi tập huấn cho 180 nghìn l­ượt hội viên nông dân với các nội dung như: hướng dẫn sản xuất rau sạch theo quy trình VietGap; tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; hướng dẫn quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cách bảo quản và chế biến nông sản phẩm sau thu hoạch; cách ủ phân compost. Phối hợp tổ chức đối thoại “Nhịp cầu nhà nông” cho trên 5.000 hội viên, nông dân của 5 huyện (Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản, Mỹ Lộc). Phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Enzyma Việt Nam tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản, triển khai thử nghiệm 15 mô hình ở các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường... Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thực hiện các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; thành lập các tổ liên kết sản xuất, kinh doanh rau và thực phẩm an toàn…

Qua 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, Kế hoạch số 07 ngày 1-6-2012 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 13 ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về cuộc vận động được nâng lên rõ rệt. Người tiêu dùng từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế; phát huy tiềm năng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế; chủ động hơn nữa trong kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng. Tiêu biểu như các sản phẩm may mặc, chăn các loại, khăn mặt, khăn tắm… của Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Dệt may Sơn Nam...; nhiều loại nông sản thực phẩm, thủy hải sản, rau quả; máy nông nghiệp, chế biến gỗ, thức ăn gia súc và nhiều sản phẩm cơ khí khác. Nhiều sản phẩm của tỉnh ta đã có thị phần đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước như: gạo sạch Toản Xuân, ngao sạch Lenger, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, giò 7 phút Nam Phát, sứa Tân Long, nông sản sấy Minh Dương, thịt Minh Long, rau sạch Ngọc Anh… Đặc biệt, 3 sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng, gạo sạch Toản Xuân, nước mắm Ninh Cơ được vinh danh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com