Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp

08:07, 19/07/2019

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang phải đối phó với những diễn biến bất thường phức tạp của thời tiết, sâu bệnh thì việc đảm bảo các loại thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp cung ứng cho sản xuất đúng chất lượng có vai trò quan trọng góp phần bảo vệ mùa màng, giữ vững năng suất và sản lượng, vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái. Việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Bà con xã viên hợp tác xã Minh Tân (Vụ Bản) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.
Bà con xã viên hợp tác xã Minh Tân (Vụ Bản) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.

Trong 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung được kiểm soát khá tốt. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, trong đó có 655 cơ sở được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, khoảng gần 500 cơ sở buôn bán quy mô nhỏ do chính quyền xã, thị trấn quản lý. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều tra, rà soát, đánh giá phân loại và ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh), Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 4 cuộc thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định pháp luật về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp của 24 cơ sở, đại lý, cửa hàng giống, phân bón và 25 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy nhìn chung, các cơ sở này đều có giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo, huấn luyện chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật. Phát hiện 4 cơ sở có vi phạm, trong đó 1 cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam và 3 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 28,5 triệu đồng… Tuy nhiên số lượng cơ sở, cửa hàng được kiểm tra còn rất “khiêm tốn” so với thực tế; thực trạng thị trường kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại như: số hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không có giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, địa điểm kinh doanh thuốc thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện theo quy định: thiếu dụng cụ phòng, chống cháy nổ, xử lý chất thải, người bán hàng không sử dụng bảo hộ lao động, không niêm yết giá bán; tình trạng bán gộp, bán kèm nhiều loại thuốc… vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc phun gộp nhiều loại thuốc không chỉ gây tốn kém cho nông dân mà còn hủy hoại sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Đáng chú ý là kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở còn tùy tiện, công tác quản lý của chính quyền cấp xã trong lĩnh vực này còn bị buông lỏng, thờ ơ. Hiện tượng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cấm, thuốc ngoài danh mục, người bán thuốc len lỏi đến tận các khu dân cư, sử dụng các chiêu trò khuyến mãi lớn để bán hàng chui, vi phạm về an toàn phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường tại các điểm bán hàng, kho chứa vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng. Tình trạng vi phạm lỗi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chưa có chứng nhận đủ điều kiện vẫn còn nhiều.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp khác nhau lưu hành tùy thời điểm. Chủng loại thuốc quá đa dạng, trong khi nhân lực thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra ít, địa bàn hoạt động rộng; kinh phí cho công tác thanh tra chuyên ngành của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hạn hẹp là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp. Vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh và thị trường thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp, thời gian tới cùng với việc phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra thị trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp và biện pháp xử lý khi vi phạm đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này, đặc biệt vào dịp trước và trong mỗi chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế chủ động phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến thông tin nội dung các văn bản pháp luật quy định về hoạt động buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn. Tiến hành rà soát, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sắp hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nộp hồ sơ (trước 3 tháng hết hạn) tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để làm thủ tục cấp lại. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đúng quy định cho người trực tiếp kinh doanh. Tăng cường biện pháp quản lý các đơn vị, cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Các tổ hợp tác, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chủ động cung cấp đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con xã viên, đảm bảo kịp thời vụ, đúng chủng loại, chất lượng. Đối với nông dân cần chủ động đổi mới tư duy không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hành sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách) để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái tiết kiệm chi phí đầu vào sản xuất. UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý theo phân cấp, phát hiện và kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, vật tư nông nghiệp trái phép, ngoài danh mục quy định, chất lượng kém./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com