Thời gian qua tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh ta có chiều hướng gia tăng đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, đến uy tín thương hiệu, lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các sản phẩm hàng hóa địa phương và của cả nền kinh tế nói chung.
Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy sản phẩm tương ớt giả nhãn hiệu Chinsu lưu thông trên địa bàn. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh xảy ra ở mọi lĩnh vực, mọi sản phẩm như: rượu, bia, nước giải khát, bột ngọt, đồ gia dụng, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy, dép, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, thực phẩm, thực phẩm chức năng... Đặc biệt những thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm càng nổi tiếng thì càng thu hút nhiều đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hình thức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra phổ biến nhất là nhái thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm. Đáng chú ý, kỹ thuật sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng cao, thủ đoạn che giấu tinh vi, sử dụng phương thức phân phối, vận chuyển lẫn lộn với hàng thật gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các lực lượng chức năng và nhận diện của người mua, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế, sức khỏe của người tiêu dùng, uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác đấu tranh, xử lý vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ nghiêm trọng. Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389/ĐP) chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng chuyên ngành của các đơn vị như: Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2018, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 37 vụ kinh doanh hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng. Ngoài những vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng còn nhận được đề nghị phối hợp điều tra giải quyết vi phạm sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận 3 đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam và của ông Nguyễn Văn Thể, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sở Khoa học và Công nghệ đã thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh có sự phối hợp của Sở Công thương, Công an tỉnh và đại diện các đơn vị tố giác vi phạm đối với các doanh nghiệp: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hòa Bình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn NABO cùng có trụ sở tại Thành phố Nam Định và cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ khí Huyền Tùng, tổ 13, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Kết quả thanh tra cho thấy Công ty Trách nhiệm hữu hạn NABO sản xuất, bán, tàng trữ sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu “Sialipe và hình” có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Solite và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 253280. Căn cứ thực tế vi phạm, lực lượng chức năng đã quyết định phạt hành chính về sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp vi phạm 23 triệu đồng và buộc loại bỏ các dấu hiệu vi phạm trên nhãn hiệu hàng hóa gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ khí Huyền Tùng, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 máy bơm nước có chữ “VĂN - THỂ” trên sản phẩm, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Văn Thể và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 58714. Lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp bằng hình thức phạt cảnh cáo; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ khí Huyền Tùng không bán ra thị trường số máy bơm có gắn chữ “VĂN - THỂ”, phải loại bỏ yếu tố xâm phạm và cam kết không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Văn Thể và hình” đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Chuyển, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng là do việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thu được lợi nhuận lớn; một số chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình nên không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ; một số doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả, nhái các sản phẩm, hàng hóa của mình. Bên cạnh đó, không giống như các loại vi phạm hành chính khác, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ được xử lý khi có đơn kiến nghị của chủ thể bị vi phạm. Rất nhiều trường hợp vi phạm được các ngành chức năng phát hiện song chủ thể quyền sở hữu không kiến nghị xử lý, không hợp tác trong việc thanh tra, kiểm tra nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý khi hành vi vi phạm, sản phẩm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó gây nguy hại tới sức khỏe con người, môi trường… Mặt khác việc xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng không đơn giản, muốn kết luận hành vi đó có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không phải có ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ và kết quả giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ.
Bảo vệ bản quyền ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế, văn hóa và trở thành điều kiện tiên quyết trong hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, để kiềm chế tiến tới ngăn chặn việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan nhằm đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống; vận động người tiêu dùng, doanh nghiệp cùng tham gia đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đối với các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp và thiết lập các biện pháp kỹ thuật tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm bản quyền báo cáo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần làm lành mạnh thị trường và các quan hệ thương mại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương