Đã gần một tháng nay, từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh ta, thị trường tiêu dùng thịt lợn trầm lắng hẳn. Ngoài lý do nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan nên việc kiểm soát vận chuyển lưu thông buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn được thắt chặt thì việc người tiêu dùng lo sợ dịch bệnh từ chối tiêu dùng thịt lợn là nguyên nhân chính khiến việc tiêu thụ thịt lợn trầm lắng.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thịt lợn an toàn tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định. |
Tại chợ đầu mối nông sản Phạm Ngũ Lão (Thành phố Nam Ðịnh) dãy hàng bán thịt lợn đã giảm gần nửa số quầy hàng do một số tiểu thương ở trong vùng dịch thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam và huyện Trực Ninh không được vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ lợn ra khỏi địa bàn. Lượng hàng của các hộ còn kinh doanh cũng ít hơn mọi khi do người kinh doanh chỉ thu mua được lợn thịt ngoài vùng dịch và lượng tiêu thụ bán lẻ tại các chợ dân sinh cũng như cho các bếp ăn tập thể ít đi. Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố và các huyện cho thấy lượng tiêu thụ thịt lợn tươi sống giảm. Thậm chí nhiều hộ chuyên kinh doanh thịt lợn chế biến sẵn như: lợn quay, nướng, nem chạo, nem tai, lòng lợn… cũng phải tạm dừng do không có người mua. Bà Trần Thu Hà, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Năng Tĩnh (Thành phố Nam Ðịnh) cho biết: “Sau khi có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại các tỉnh miền Bắc, người dân đã giảm tiêu dùng thịt lợn, tới khi bệnh dịch xảy ra ở địa bàn tỉnh, số người quay lưng với thịt lợn càng nhiều. Trước đây mỗi ngày tôi bán khoảng 1 tạ thịt lợn thì nay chỉ bán cầm chừng vài chục cân; giá cũng giảm nên lợi nhuận không được bao nhiêu”. Lo ngại thịt lợn bị nhiễm dịch lây sang người, nhiều người dân không mua thịt lợn để chuyển sang các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như gà, bò, cá, tôm. Thậm chí nhiều bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng loại thịt lợn ra khỏi thực đơn hằng ngày của học sinh… Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường giảm tới 40% so với trước đây. Trước thời điểm xuất hiện dịch, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang giữ mức 45-47 nghìn đồng/kg, nhưng ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, giá lợn hơi đã xuống 30-35 nghìn đồng/kg đối với lợn nuôi ở trang trại an toàn sinh học và 20 nghìn đồng/kg đối với lợn nuôi thông thường. Tình trạng này khiến người chăn nuôi đã khó khăn do dịch bệnh lại càng khó thêm do tiêu thụ sản phẩm bị ngưng trệ, nếu kéo dài ngành chăn nuôi sẽ khó hồi phục sau khi dịch bệnh khống chế được, thị trường thịt lợn sẽ tiếp tục bất ổn vì thiếu nguồn cung, giá thịt lợn lại tăng giá mạnh, nguy cơ thịt lợn nhập lậu tăng, vừa không kiểm soát được chất lượng, vừa tiềm ẩn các nguy cơ lây lan bệnh dịch, mất an toàn… Thiệt hại cuối cùng vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng. Trong khi đó, các nghiên cứu trong ngành đã khẳng định: bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Theo đó, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây nên. Cụ thể virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày… nhưng lại chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Do đó người tiêu dùng không nên hoang mang, vội vàng tẩy chay thịt lợn mà chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách mua tại các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, chọn thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định; chế biến thịt lợn ở nhiệt độ 100 độ C, trong vòng 1-2 phút, không ăn các món thịt lợn chế biến kiểu nhúng, tái, nem chua, gỏi, tiết canh... để tránh các bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng vật nuôi. Hiện tại, việc thực hiện các quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, vùng đệm… dẫn đến kể cả lợn an toàn, chưa nhiễm bệnh của các hộ nuôi ở các địa bàn đã xuất hiện bệnh cũng khó tiêu thụ; tư thương lợi dụng cũng ép giá khiến người nuôi thiệt hại nhiều.
Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài, bởi lợn nhiễm bệnh dù không chết, được chữa khỏi cũng là vật chủ mang bệnh suốt đời nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Ðể góp phần ổn định thị trường, chung tay hạn chế những thiệt hại, cùng người chăn nuôi sớm ổn định sản xuất, trước hết, mỗi chúng ta hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, không vô cớ tẩy chay thịt lợn. Bên cạnh đó, các địa phương, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giúp người tiêu dùng có nhận thức đúng về việc sử dụng thịt lợn đảm bảo chất lượng. Tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thịt lợn đưa vào tiêu thụ. Không cho phép buôn bán thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Cùng với việc chống dịch, cần đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, tạo điều kiện cho việc giết mổ, tiêu thụ lợn không mắc dịch bệnh; lập và công khai danh sách các siêu thị, cửa hàng bán thịt lợn sạch, có nguồn gốc, được kiểm dịch đầy đủ để người tiêu dùng, các tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua thịt lợn sử dụng cho bếp ăn tập thể và chế biến sẵn yên tâm sử dụng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương