Là xã thuần nông, sau nhiều năm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển thương mại dịch vụ người dân xã Yên Cường (Ý Yên) đã làm giàu ngay từ nông nghiệp tại quê hương. Nhiều sản phẩm đặc trưng như rau an toàn, lạc, dầu ăn, thịt bò thương phẩm của Yên Cường đã được định vị thương hiệu ở thị trường Thành phố Nam Định và các tỉnh trong khu vực.
Sản xuất dầu lạc tại hộ gia đình ông Phạm Văn Hùng, xóm Trung Đông, xã Yên Cường (Ý Yên). |
Có được bước đột phá này, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng và kiên trì, quyết liệt triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phá thế độc canh nông nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ; hỗ trợ nhân dân nâng cao giá trị thương mại cho chính nông sản của địa phương. Để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, xã đã tiến hành điều tra hiện trạng sử dụng đất, lượng chất thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt để tính toán quy mô sản xuất hợp lý; quy hoạch lại vùng sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo quy trình mới bắt đầu từ sản xuất phân bón hữu cơ, cải tạo đồng ruộng đến tích tụ ruộng đất, canh tác rau theo công nghệ Nhật Bản; hỗ trợ trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như kỹ năng tiếp cận thị trường cho nông dân. Trong quá trình triển khai phương thức sản xuất mới, 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đóng vai trò đầu tàu. Trong đó, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường tập trung động viên người dân tích tụ ruộng đất, trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản; Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường đảm trách nhiệm vụ sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Mô hình này đã thu hút được khoảng 2.500 lao động. Toàn bộ thành viên của 2 hợp tác xã đều được các chuyên gia Nhật Bản, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng bằng phân hữu cơ để trả lại độ phì cho đất, kỹ thuật canh tác rau hữu cơ và rau an toàn. Đến nay, nông dân địa phương đã làm chủ được công nghệ sản xuất phân hữu cơ và canh tác rau theo công nghệ Nhật Bản. Trong đó, sản lượng phân hữu cơ do Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, phân gà, lợn, bò đạt trên 100 tấn/năm. Hiện hợp tác xã đã tích tụ được 9ha trồng rau sạch với nhiều giống rau có giá trị dinh dưỡng cao được thị trường ưa chuộng đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản như cải bina, dền đỏ, hành hoa, củ cải đường... Sản phẩm rau sạch của nhân dân trong xã không chỉ trở thành nguồn nguyên liệu xuất khẩu chính của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) và tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể tại Khu công nghiệp Bảo Minh mà còn được ưa chuộng ở thị trường bán lẻ rau an toàn tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài rau an toàn, người dân xã Yên Cường còn thành công trong chế biến, ép dầu lạc, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm lạc của địa phương, mỗi năm cung ứng ra thị trường với sản lượng hàng chục nghìn lít dầu mỗi năm. Vốn là vùng đất trồng màu với cây lạc là một cây chủ lực, sản lượng lạc nhân chất lượng cao bình quân đạt từ 1.100-1.200 tấn/năm. Tuy nhiên cách tiêu thụ lạc nhân trước đây thường không tránh khỏi bị ép cấp, ép giá vào vụ thu hoạch rộ, gây thiệt hại cho người trồng. Người dân Yên Cường đã học cách chế biến dầu lạc để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cách làm này đã giúp tăng giá trị của sản phẩm lạc của người dân xã Yên Cường lên gấp 3-5 lần so với bán lạc thô, không bị phụ thuộc vào thương lái hay thị trường nông sản lên xuống thất thường. Ngoài sản phẩm dầu lạc, người dân Yên Cường còn chế biến thêm dầu đậu nành, dầu vừng và kẹo lạc để đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương. Từ một, hai hộ ban đầu, đến nay, cả xã có 7 hộ lớn chuyên ép dầu thực vật thương phẩm cung ứng ra thị trường và gia công dịch vụ cho người dân trong vùng cũng như các xã lân cận. Tiêu biểu như hộ gia đình các ông Phạm Văn Hùng, xóm Trung Đông; Đinh Quang Hiệu, xóm Đông Hậu… là những hộ đi tiên phong trong nghề ép dầu lạc.
Năng động tiếp cận thị trường, từ một xã thuần nông, đến nay giá trị dịch vụ thương mại của xã đã chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Các cơ sở dịch vụ thương mại không chỉ phát triển ở khu vực chợ Tống Xá mà đã mở rộng, bám theo trục tỉnh lộ 57B, Quốc lộ 37B và các khu vực giao thông thuận lợi như ngã ba Duyên Mỹ, Đình Đá, Trung Đông, Xóm Nguốn… với không khí giao thương sầm uất. Thu nhập bình quân theo đầu người của xã thời gian qua cũng vượt kế hoạch đề ra, đạt gần 40 triệu đồng/người/năm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương