Nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn

08:03, 18/03/2019

Trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đáng báo động, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình an toàn thực phẩm…

I. Từ những mô hình tiêu biểu…

Nhằm thúc đẩy hội viên phụ nữ khởi nghiệp và tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, những năm qua, nhiều địa phương trong huyện Hải Hậu đã thành lập các “Tổ phụ nữ nuôi giun quế” theo mô hình nông nghiệp khép kín, không rác thải (lấy phân gia súc, gia cầm trồng rau củ và nuôi giun quế và ngược lại, lấy giun quế và rau củ nuôi gia súc, gia cầm) với tên gọi: “Phụ nữ với công tác an toàn thực phẩm”. Đây là mô hình sản xuất không sử dụng hóa chất trừ sâu và các chất kích thích tăng trưởng cho vật nuôi và cây trồng. Do đó, đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe và góp phần thúc đẩy việc tái sử dụng các phế thải nông nghiệp. Xuất phát điểm của mô hình là từ hình thức nuôi giun quế triển khai tại một Chi hội Phụ nữ của xã Hải Sơn năm 2016, đến nay huyện Hải Hậu đã nhân rộng ra 7 cơ sở hội trong huyện với nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn được cung cấp cho người dân. Hiện mô hình cũng đang được nhân rộng tại các Chi hội Phụ nữ xã Hải Sơn (Hải Hậu), xã Xuân Ninh (Xuân Trường), xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), các xã Nam Điền, Nghĩa Minh, Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).

Mô hình câu lạc bộ “Sản xuất và tiêu dùng sạch” của Hội Phụ nữ phường Cửa Nam (Thành phố Nam Định) có 24 thành viên. Phường có làng nghề làm bún Phong Lộc, trung bình mỗi hộ làm bún sản xuất khoảng 3-4 tạ bún/ngày. 24 thành viên câu lạc bộ đồng thời là hội viên phụ nữ và là chủ nhân của 24 hộ gia đình sản xuất bún của làng nghề. Với mục tiêu tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất sản phẩm bún đảm bảo an toàn thực phẩm, câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ với các nội dung: trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên trong câu lạc bộ về sản xuất thực phẩm an toàn, đặc biệt là sản xuất bún sạch; vận động hỗ trợ kinh phí để các hộ khó khăn đầu tư máy móc, phương tiện sản xuất bún hiện đại; hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm… Từ hoạt động của câu lạc bộ, đến nay cả 24 hộ gia đình sản xuất bún Phong Lộc đều đã đầu tư máy làm bún hiện đại, sản phẩm bún của làng nghề đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khách hàng chọn mua thực phẩm tại cửa hàng rau sạch Linh Chi - mô hình kinh doanh thực phẩm tiêu biểu của phụ nữ trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Khách hàng chọn mua thực phẩm tại cửa hàng rau sạch Linh Chi - mô hình kinh doanh thực phẩm tiêu biểu của phụ nữ trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Thành lập từ năm 2014, đội dịch vụ nấu cỗ thôn Đông Thành, xã Nam Hồng (Nam Trực) luôn duy trì từ 6-10 người là hội viên Chi hội Phụ nữ thôn. Đội nấu cỗ theo nhu cầu phục vụ các đám cưới, đám giỗ của người dân với khoảng từ 30-600 suất ăn, trung bình mỗi tháng phục vụ khoảng 20 bữa cỗ theo yêu cầu. Tiêu chí của đội dịch vụ nấu cỗ là đảm bảo an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm nhập vào phải rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Định kỳ, Hội Phụ nữ xã Nam Hồng phối hợp Trạm Y tế xã tổ chức tập huấn kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm cho các thành viên trong đội. Từ khi thành lập đến nay, đội dịch vụ nấu cỗ luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Mô hình trồng rau sạch của các nhà sư và nữ phật tử Chùa Ỏn (Thành phố Nam Định) được thành lập hơn 10 năm nay. Trên diện tích 1ha, mỗi ngày các nhà sư và nữ phật tử cung cấp khoảng 3-4 yến rau, quả các loại gồm rau muống, rau cải, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, rau lang, bí, chanh, thanh long ruột đỏ… cho các nhà sư trong chùa, một số chùa khu vực quanh thành phố và người dân quanh vùng. Mô hình với quy trình chăm sóc rau đảm bảo tuyệt đối an toàn; trước khi trồng, đất được bón phân vi sinh và bổ sung thêm đất màu, sau khi rau trồng được tưới nước thường xuyên để phát triển xanh non. Nếu có sâu, rau được phun nước tỏi, ớt chứ không dùng thuốc trừ sâu...

Ngoài ra, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” đang phát triển tại các xã: Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Nam Điền (Nghĩa Hưng); xóm 8, xã Xuân Ninh (Xuân Trường)… thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.

II... Đến việc thực hiện chủ đề “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”

Năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức phát động thực hiện chủ đề Năm “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” và Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN giữa Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020”; ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động giữa Hội Phụ nữ tỉnh và các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội, Công an tỉnh, Tài nguyên và Môi trường... tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thi về an toàn thực phẩm. Trong đó, Hội Phụ nữ tỉnh và cấp huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 150 cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên và trên 2.500 cán bộ, hội viên phụ nữ về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ung thư; các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; Hội Phụ nữ Thành phố Nam Định tổ chức hội thi tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, tuyên truyền viên, hội viên làm kinh doanh thực phẩm tham gia. Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu tổ chức hội chợ “Vì một nền nông nghiệp bền vững”... Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 405 buổi truyền thông cho trên 120 nghìn cán bộ, hội viên về thực trạng và tác hại của thực phẩm không an toàn; tư vấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm đúng cách; phổ biến các quy định của pháp luật về các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm an toàn… Vào các dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10), các chi, tổ phụ nữ trên địa bàn tỉnh đều tổ chức sinh hoạt nội dung về an toàn thực phẩm, thu hút 299.158 hội viên phụ nữ đến dự, nghe. Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp tổ chức 23 cuộc truyền thông về an toàn thực phẩm cấp xã, thu hút trên 3.500 hội viên phụ nữ tham dự. Hưởng ứng cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về an toàn thực phẩm”, trong số 31 tác phẩm gửi Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có 1 tác phẩm được trao giải nhất. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng tích cực xây dựng các mô hình an toàn thực phẩm mới. Hội Phụ nữ cả 10 huyện, thành phố đều ra mắt mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, trong đó tập trung thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đến nay toàn tỉnh có 389 mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” với 81.690 hội viên tham gia. Tại buổi ra mắt mô hình, các cấp Hội đã lồng ghép tuyên truyền nội dung về “5 không, 3 sạch” và kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong dịp này, 4 mô hình: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” tại các xã: Xuân Ninh (Xuân Trường), Giao Hà (Giao Thủy), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) và “Tổ phụ nữ chế biến thực phẩm sạch” tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) cũng ra mắt; lồng ghép tuyên truyền kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm an toàn, thu hút 2.300 hội viên phụ nữ tham dự. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh vẫn duy trì hoạt động của các mô hình: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn”; câu lạc bộ “Sản xuất và tiêu dùng sạch”; “Dịch vụ nấu cỗ”; các mô hình: “Sản xuất nuôi trồng cho sản phẩm hữu cơ”; “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy, hải sản”, “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế”…

Với việc phát động xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các chi hội và tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động, giám sát; các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Qua đó, mỗi chị em phụ nữ trở thành những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, những người tiêu dùng thông thái để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com