Người tiêu dùng không nên "quay lưng" với thịt lợn

08:03, 22/03/2019

Cùng với việc khẩn trương, quyết liệt, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, thì cần phải thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn, thịt lợn sạch, tránh tình trạng tẩy chay không sử dụng thịt lợn, là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Dịch tiếp tục lây lan

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Tại Việt Nam, tính đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn đã phải tiêu huỷ là 34.774 con, chiếm khoảng 0,1% tổng đàn lợn của cả nước. Về nguyên nhân khiến dịch lây lan, theo ông Nguyễn Văn Long trước hết là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn tới dịch bệnh lây lan. Nguyên nhân thứ hai là do vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ, lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Nguyên nhân tiếp theo, kết quả điều tra tại ổ dịch ở Hà Nội, Thái Nguyên, các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lý nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán...

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ, lẻ tính theo tổng đàn hiện chỉ chiếm khoảng gần 40%, thế nhưng số hộ chăn nuôi chiếm gần 3 triệu hộ, trung bình mỗi hộ chăn nuôi khoảng 30-40 con. Tốc độ lây lan dịch bệnh tương tự như dịch bệnh đã và đang xảy ra tại Trung Quốc. Chủ yếu dịch bệnh xảy ra ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ do công tác phòng, chống dịch bệnh kém hơn các trang trại chăn nuôi lớn.

Bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người

Ông Nguyễn Văn Long khẳng định, dịch bệnh này không lây nhiễm sang người nên người tiêu dùng không nên quá hoang mang, lo lắng. Số lượng lợn mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh đã tiêu hủy, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng đàn lợn của cả nước 29 triệu con hiện nay.

Bổ sung về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương lấy ví dụ, 35 năm nay ở Tây Ban Nha vẫn lưu hành dịch bệnh này, vậy tại sao đùi lợn muối, đùi lợn xông khói của họ vẫn tiêu thụ rất tốt? Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều bảo đảm an toàn. 

Để có thể yên tâm sử dụng thịt lợn sạch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Minh Tâm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: Nhận biết thịt lợn việc đầu tiên là lợn phải có dấu thú y. Về cảm quan, đối với thịt lợn bệnh thường có vết tím, xám, mô cơ thịt xẫm, tối, độ săn chắc của thịt lợn bệnh không bằng thịt lợn bình thường. Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người tiêu dùng không nên “quay lưng” sử dụng thịt lợn đặc biệt là đối với thịt lợn sạch, thịt lợn bảo đảm an toàn. Khi chế biến thịt, cần luộc, nấu, xào, kho... kỹ, nấu chín, không ăn tái để ngăn ngừa dịch lây lan. Bệnh dịch này tuyệt đối không lây sang người và khi được chế biến ở nhiệt độ hơn 70 độ C (trong khoảng 15-20 phút), vi-rút DTLCP chắc chắn bị tiêu diệt. 

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là giải pháp góp phần ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh đối với vật nuôi hữu hiệu nhất, đặc biệt đối với bệnh DTLCP trong bối cảnh chưa có vắc-xin phòng, chống dịch bệnh này./.

Theo qdnd.vn

 

 



Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com