Triệu phú trồng cau

06:09, 28/09/2018

Đã từ rất lâu, vùng đất Hải Đường (Hải Hậu) vốn gắn bó với hình ảnh những thân cau cao vút rủ bóng xanh mướt xuống làng quê hiền hòa. Vấn vít trên những dong ngõ tít tắp, thanh bình, hương cau theo bước người đi. Vốn yêu mến hàng cau trước nhà có từ những ngày còn thơ bé, năm 1990, sau khi xuất ngũ, ông Đỗ Thanh Minh ở xóm 6 về quê tiếp tục trồng cau. “Không đơn thuần chỉ trồng làm cảnh cho đẹp, cây cau bây giờ đã trở thành mũi nhọn kinh tế, nghề của gia đình tôi. Và cũng không chỉ riêng nhà tôi, nhiều hộ gia đình ở Hải Đường giờ đã có thể sống “an nhàn” bằng cây cau”, ông Minh vui vẻ chia sẻ.

Ông Đỗ Thanh Minh, xóm 6, xã Hải Đường (Hải Hậu) chăm sóc vườn cau giống.
Ông Đỗ Thanh Minh, xóm 6, xã Hải Đường (Hải Hậu) chăm sóc vườn cau giống.

Là lính Biên phòng lại có nhiều năm đóng quân tại đất dừa, đất cau Bến Tre, ông Minh bảo, cả đời đi đâu cũng gắn bó với cây cau. Những năm sống, làm việc ở Bến Tre giúp ông có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về cách trồng, chăm bón, ươm cau giống. Khi nghỉ hưu về quê, gom góp tiền, ông mua được mảnh đất rộng 1.800m2 thực hiện mong ước ấp ủ đã lâu, trồng những vườn cau rộng bát ngát. Ban đầu, ông chỉ trồng trên trăm cây cau quả, mục đích là “làm đẹp” lối ngõ. Khoảng những năm 1993-1994, khi cau Hải Đường bắt đầu có giá, được thương lái thu mua nhiều, ông Minh nhân rộng số lượng cau, trồng ra cả vườn. Số cây trong vườn nhà từ đó tăng lên khoảng 300-400 cây. Cũng thời điểm đó, rất tình cờ ông xem được trên ti vi một chương trình hướng dẫn về cách ươm trồng cau muộn. Ông Minh mày mò và thử tìm cách nhân giống. “Nghe thì có vẻ to tát nhưng cách tạo ra những cây cau muộn của tôi rất đơn giản. Đó là “hãm” cây, bắt cây sinh trưởng và phát triển trái với quy luật thông thường. Đáng ra, phải chăm sóc, phân tro cho cây chu đáo thì tôi… bỏ mặc. Mục đích để nhằm cho cây chậm phát triển, ép quả ra muộn hơn. Từ đó điều tiết lại thời vụ cho cau. Ví dụ, cau thường cho thu hoạch từ tháng 8 âm lịch cho đến tháng 12. Thì với những cây cau muộn tôi sẽ kéo dài thời vụ ra hoa rồi kết quả cho đến khoảng tháng 2 hằng năm”, ông Minh bộc bạch. Với việc tạo ra vụ cau muộn, giá trị kinh tế vườn cau của nhà ông Đỗ Thanh Minh được “nâng tầm” hơn hẳn do ít phải cạnh tranh thời vụ. Quan trọng hơn, việc tạo ra các giống cau muộn còn giúp ông nảy ra ý định ươm cau để bán. Thời điểm những năm 1993-1994 cũng là lúc ông Minh bắt đầu những mùa vụ ươm cau đầu tiên. Ban đầu mỗi năm ông ươm khoảng vài trăm cây. Số lượng tăng dần theo các năm lên đến khoảng trên 1.000 cây. Hiện nay, mỗi năm ông ươm trung bình từ 1-2 vạn cây. Quy trình ươm, theo ông Minh cũng không quá phức tạp. Mùa cau chín, ông để cho quả cau già hẳn mới hái. Cau hái xuống, không vội ngâm cau ngay mà để vào chỗ râm mát khoảng vài ngày nhằm “thuần” quả cau. Sau đó, ông tiếp tục xử lý sâu bệnh, diệt nấm trên các quả cau giống và mang đi ngâm ủ trong nước trong thời gian 1 ngày, đêm. Ngâm ủ cau xong, ông nhanh chóng mang cây ra ươm trồng. Từ tháng Giêng đến tháng 10 hằng năm là thời điểm thích hợp để ông Minh cấy cau. Trước đó khoảng 1 tháng khi chuẩn bị ươm cây, ông đã hoàn thiện công đoạn làm bầu đất cho cây. Để làm bầu, ông cẩn thận lựa chọn loại đất thịt ải mặt ruộng trộn với phân chuồng ủ mục. Ông chia thành 2 loại bầu, một cho những cây 1 năm tuổi có kích thước đường kính từ 5-6cm, chiều cao từ 10-12cm. Đối với những cây giống xác định để thời gian lâu hơn, ông Minh làm loại bầu to hơn, đường kính dao động từ 6-8cm, chiều cao bầu là 12cm. Ươm hạt cây xong, ông căng giàn che lưới nhằm giảm độ nóng lên các bầu đất. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tưới nước nhằm giữ ẩm cho đất và hạt giống. Khoảng 2 tháng sau khi ươm, cây đã bật mầm xanh gốc, ông không vội xuất bán ngay mà chờ cho đến khi cây giống được 1 hoặc 2 năm tuổi mới bán. Những khách hàng đầu tiên rất hài lòng về chất lượng cây cau giống của ông Minh. Các cây ươm từ 1-2 tuổi được khách hàng đặc biệt ưa chuộng với các ưu điểm: vận chuyển được xa, tỷ lệ cây sống cao hơn. Với cây từ 2-3 tuổi, mặc dù rất lý tưởng về chiều cao, kích thước, tuy nhiên do cây lúc này đã tương đối lớn khó khăn cho việc vận chuyển nên người mua ít chọn hơn. Tùy theo chất lượng, độ cao, thấp mà ông Minh định giá cây theo các mức phù hợp. Với các loại cây có tuổi đời khoảng 1 tuổi, ông bán với giá 10-20 nghìn đồng/cây. Cây đạt từ 2-3 tuổi trở lên có mức giá khá cao, dao động trong khoảng 200-500 nghìn đồng/cây. Năm 2017, ông Đỗ Thanh Minh xuất bán được trên 1 vạn cây cau giống. Trừ chi phí, riêng tiền bán cau ông thu về trên 100 triệu đồng. Đầu năm 2018 đến nay, ông cũng đã xuất bán được khoảng 6.000-7.000 cây. Ngoài vườn ươm cau giống bốn mùa xanh tốt, tấp nập khách ra vào hỏi mua bán, ông Minh còn trồng thêm khá nhiều cau quả. Hiện, vườn nhà ông có khoảng 300-400 cây cau quả. Trồng cau quả, mục đích chính của ông là tạo giống để cho ra cây ươm. Mặc dù vậy, mùa vụ năm 2017, ông Minh vẫn thu về khoảng 20 triệu đồng tiền cau quả.

Không chỉ ươm cau giống, ông Minh còn tự học rồi ươm thêm cây đinh lăng để bán. Bắt đầu trồng đinh lăng khá muộn, khoảng 5 năm trở lại đây, hiện vườn của ông Minh cũng có khoảng 6.000-7.000 bầu đinh lăng. Số lượng này đã giảm tương đối so với năm 2017 khi ông ươm đến trên 3 vạn bầu. Cũng học được kinh nghiệm ươm trồng đinh lăng trên ti vi, ông Minh mua giống từ các nhà vườn trong vùng về trồng, cắt cành rồi tiếp tục ươm cây mới. Sau 20 ngày ươm trồng, những cành đinh lăng tiếp tục ra rễ, nảy mầm và 2 tháng sau thì được xuất bán. Với giá mỗi cây giống từ 3.000-4.000 đồng, năm 2017, ông Minh thu về khoảng 50-70 triệu đồng tiền bán cây giống đinh lăng. Ngoài bán đinh lăng giống, ông Minh còn trồng thêm đinh lăng ngâm rượu. Vườn nhà ông hiện cũng có khoảng vài trăm cây tuổi đời từ 5-6 năm tuổi. Những gốc đinh lăng này hầu hết đều được khách trả giá tiền triệu. “Đây là sản phẩm “để dành” của gia đình tôi. Tôi dự định trồng khoảng chục năm mới bán. Khi đó, giá cả chắc chắn cao hơn”, ông Minh chia sẻ. Ươm trồng đinh lăng có thể cho xuất bán nhanh hơn lại không tốn quá nhiều công chăm sóc, tuy nhiên cũng theo ông Minh, cau vẫn là loại cây dễ bán hơn. Đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết khi mùa lễ hội trong năm diễn ra, cau rất có giá. Chính vì vậy, cây trồng chủ lực mang lại nguồn kinh tế ổn định của gia đình ông Đỗ Thanh Minh vẫn là cau.

Khu vườn trước và sau nhà ông Minh bây giờ đều được phủ kín bởi cau và đinh lăng. Những bầu cây mướt xanh xếp ngay ngắn chia thành các ô, khu riêng biệt. Ôm lấy lõi vườn là những hàng cau cao vút, mạnh khỏe chắn gió che mưa cho cây con phía dưới. Ở vài góc vườn thấp thoáng những gốc thanh long hé chùm hoa trắng muốt cuối mùa. Đứng giữa mênh mông cây lá, ông Minh hào hứng kể về những dự định sắp tới, “khoe” mấy đơn hàng mới nhận. “Ngày mai, tôi theo xe sang Thái Bình trồng cau cho khách hàng. Họ đặt số lượng lớn, thuê luôn mình trồng, giám sát công trình. Vài năm trở lại đây, tôi thường xuyên có lượng khách hàng như thế. Theo tôi, nếu trong nhà có vài trăm cây cau thì có thể không phải lo lắng quá nhiều về thu nhập thường xuyên”. Đây không chỉ là nhận định của ông Minh mà còn là thực tế, hiệu quả kinh tế mà cây cau đang mang lại. Giống cây này vì thế được người người, nhà nhà ở Hải Đường “tin yêu”./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com