Nắng hè vàng như mật chạy dài trên các bãi biển, lấp lánh ánh sáng trên những ngọn sóng theo gió đang thi nhau đuổi vào bờ. Buổi sáng tại các làng chài vùng biển các xã Hải Đông, Hải Lý (Hải Hậu) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tang tảng sáng đã có nhiều tàu thuyền rẽ sóng cập bến. Vào mùa hè, dường như những “ngư dân ăn sương nằm gió” cũng sốt ruột muốn về bến sớm hơn, tránh cái nắng oi nồng đến rát da thịt của biển cả. Từ trên bờ, hàng chục các bà, các chị nón trắng nhấp nhô cầm làn “ào” xuống biển, hỏi han tíu tít chủ tàu cá. Họ ngã giá mực, tôm, cua, ghẹ…, mua bán, giao thương ngay trong tiếng sóng vỗ ồn ào. Để, từ những bến cá này, những loại hải sản tươi ngon, chất lượng đến được với bữa ăn của nhiều gia đình.
Thu mua cá ở chợ cá xã Hải Đông (Hải Hậu). |
Trời còn nhá nhem mà bãi biển xã Hải Đông đã nhộn nhịp, ồn ào tiếng nói, cười của các cô, các chị hỏi thăm tình hình nhà cửa, con cái học hành, thuyền về được nhiều hay ít. Chỗ này rì rầm khen mực đợt này tươi, con to, cá bơn dày mình, chỗ khác lại phàn nàn mấy hôm nay không thấy đánh bắt được tôm thuyền. Chốc lát, một vài chị sốt ruột ra tận mép nước ngóng xem thuyền về rồi lại tất tả vào bờ, ngả nón quạt. Tiếng lao xao của họ lẫn trong sóng biển, vị biển mặn mòi. Cuộc sống của họ bao năm gắn với biển, buồn vui, lo lắng cùng với những ngày biển động, những đợt trúng mùa. Họ cũng chính là những người tạo nên các khu chợ cá tự phát, bán buôn chóng vánh, náo nhiệt và vui vẻ. Kéo chiếc khăn bông đã cũ sờn lên cao ngang mũi, sửa lại vành nón cho ngay ngắn, chị Trần Thị Mùi, xóm Nam Giang, xã Hải Đông kể: “Tôi gắn bó với chợ cá, với bờ bãi nhiều nơi trong huyện cũng đã trên 10 năm. Trước đây chồng tôi cũng có đi biển xong đã nghỉ mấy năm nay. Khi chồng còn đi biển, tôi vừa phụ giúp gỡ lưới, bán cá, vừa buôn bán thêm. Tàu thuyền ở đây tôi thuộc từng nhà, ngư dân ai cũng là người quen”. Chị Mùi chỉ là một trong vài chục thương lái ở xã Hải Đông, là đầu mối nhập hàng để ngư dân yên tâm mỗi ngày ra biển đánh bắt mà không lo đầu ra. Mặt trời lên, vài mũi tàu đã xé nước tiến vào bờ. Không khí dường như “nóng” hơn. Những thương lái, người lao động, bốc vác mang theo nào thúng mủng, gánh gồng, xô, làn, xe… căng mắt ra biển chờ đợi. Thuyền vừa cập bến, ai nấy ùa ra, mỗi người một việc. Tất cả mọi giao dịch diễn ra chỉ trong khoảng vài chục phút đến 1 giờ. Người mua nhanh, người bán cũng nhanh để hàng được tươi ngon nhất. Đều là dân vùng biển, bằng mắt kẻ bán, người mua nhìn hàng để định, ngã giá. Tiếng chào mời ồn ã khắp bến thuyền. Sáng hôm nay là một ngày may mắn của chị Mùi. Ngoài yến mực nang, chị còn thu mua được mấy cân tôm he to, tươi xanh, 2kg cua. Thấy đã mua được tương đối, chị Mùi vội vã phân loại, lên xe nổ máy kịp đưa hàng vào chợ. Một ngày hai chuyến, đầu sáng và giữa chiều đều đặn chị có mặt tại bến để thu mua hải sản. “So với ngư dân, công việc của chúng tôi ít vất vả hơn. Nhờ đi thu mua hải sản, tôi có đồng ra đồng vào, thu nhập ổn định. Do đó, tôi nuôi được con cái học hành, sửa sang nhà cửa” chị Mùi nói với trước khi vào chợ lẻ.
Xuôi dọc theo đê Hải Đông chúng tôi xuống khu vực chợ cá Nhà thờ Đổ, xã Hải Lý. Đây là nơi tập trung nhiều tàu thuyền của xã cũng là nơi buôn bán của nhiều thương lái. Họ đến từ nhiều xã ven biển của các huyện Hải Hậu, Giao Thủy; có người từ tận Thanh Hóa ra để thu mua hải sản. Vài năm trở lại đây, khi điểm du lịch Nhà thờ Đổ Hải Lý thu hút nhiều khách thập phương tới tham quan, quán xá, hàng ăn theo đó mọc lên nhiều thì chợ hải sản khu vực này cũng tấp nập hơn. Vừa gỡ lưới, vừa nhanh tay đóng cọc, căng bạt để che chắn cho thuyền đỡ nóng, ngư phủ Đỗ Văn Anh, xóm 3 cho biết: “Tôi đi biển đến nay cũng đã ngót 30 năm. Nghề này vất vả nhưng đã thành nghiệp nên lâu dần thành quen. Biển không chỉ nuôi sống chúng tôi mà còn là nguồn sống của những người làm nghề buôn bán hải sản. Quanh khu vực Nhà thờ Đổ, theo ước tính của tôi có đến hàng trăm tàu thuyền neo đậu. Đông đúc là thế nên chợ hải sản ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp. Đa phần hải sản được bán cho các thương lái, sau đó họ mang về các chợ lẻ hoặc nhập cho các đại lý lớn. Giao dịch ở chợ biển này rất đơn giản, ít xảy ra tình trạng tranh giành hoặc ép giá”. Đúng như lời anh Anh nói, người bán, kẻ mua ở đây quá quen, tin tưởng nhau sau nhiều năm làm ăn, bán buôn nên hải sản cứ bốc dưới thuyền lên được chuyển ngay cho thương lái. Khách lẻ ít khi mua được lượng hải sản lớn của ngư dân ở đây. Cua, mực, ghẹ, tôm… thường không có quá nhiều biến động về giá nên việc ngã giá càng nhanh hơn. Tại chợ biển Hải Lý, giá mực mai hiện được bán với mức 100-110 nghìn đồng/kg; tôm he được bán với giá 350 nghìn đồng/kg, tôm thuyền có giá từ 50 nghìn đồng đến trên 100 nghìn đồng/kg; cua tùy loại, dao động từ trên 100-300 nghìn đồng/kg; cá bơn, cá trích chỉ vài chục nghìn đồng/kg… Các loại cá, tôm, mực sau khi thu mua được thương lái chuyển ngay vào các thùng xốp đóng đá buộc trên những chiếc xe máy hoặc cho lên xe tải để tỏa đi các chợ khác tiêu thụ. Họ cũng có thể nhập bán cho các đại lý. Riêng tại khu vực Nhà thờ Đổ cũng có vài cơ sở thu mua hải sản. Nhìn những mẻ hải sản đang theo chân người nhanh chóng vào bờ, anh Anh khẳng định chắc nịch: “Hải sản ở đây luôn tươi sống và bảo đảm an toàn cao”. Mặt trời càng lên cao, thuyền về thưa thớt cũng là lúc chợ vãn. Đến chiều, từ 16h, phiên chợ cá của các làng ngư phủ lại bắt đầu. Người mua, kẻ bán gặp lại nhau vẫn trong một nhịp sinh hoạt, bán buôn ồn ã, nhộn nhịp như buổi sáng. Và đâu đó giữa mênh mông của biển, những góc chợ nườm nượp người đôi khi át cả tiếng sóng, thể hiện sự căng đầy, ấm no của những làng quê biển.
Gọi là chợ cá cho “oai”, chứ thực chất tại nhiều chợ cá trên địa bàn tỉnh đôi khi chỉ là rải rác những nhóm nhỏ các bà, các cô, các chị họp lại mua bán hải sản với nhau. Cá, tôm, mực… được những người đàn ông khỏe mạnh, rắn chắc đi đánh bắt suốt đêm, đến rạng sáng thì cập bờ tươi roi rói. Những con mực còn nguyên đốm sáng óng ánh trên thân; mẻ tôm búng mình tanh tách và cá, nhiều con miệng vẫn còn ngáp ngáp. Ngày nắng nôi hay rét buốt, đều đặn thuyền cập bến thì cũng có chừng ấy phiên chợ cá, những thương lái đi thu mua hải sản. Trừ những lúc bán mua vội vã để giữ cho hải sản tươi sống, nhịp sống giản đơn giữa bờ biển của những người bám biển làm ăn, bám biển mưu sinh dường như không quá gấp gáp. Chỉ mong sao trời yên biển lặng để ngư dân ra khơi vào lộng được mùa, thương lái yên tâm buôn bán từ đó góp phần giữ vững vùng biển, đảo của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân