Từ trên dốc đê xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), xuôi theo con đường nhỏ về thôn Hồng Phong 1, chúng tôi tìm đến cánh đồng trồng rau sạch của chị Trần Thị Sửu. Sau cơn mưa đêm vẫn còn ẩm đất, những luống rau muống, mồng tơi, bí đỏ... thẳng tắp thi nhau bật mầm, đua ngọn, trải màu xanh mướt. Kề bên luống cải bắp cuối mùa cuộn tròn chắc nịch, các bà, các chị đang miệt mài nhổ cỏ, xới đất cho ruộng rau ngót. Chị Sửu vừa đi giao hàng cho khách về lại tất bật ra ruộng kiểm tra lứa rau sắp đến ngày thu hái. Nhìn chị cần mẫn chăm chút cho từng luống rau, nghe chị kể về những vất vả, khó khăn của nghề với mong muốn mang nguồn rau sạch đến mỗi bữa ăn gia đình, chúng tôi càng thêm hiểu tấm lòng của người phụ nữ hiền lành, chân chất.
Chị Trần Thị Sửu kiểm tra chất lượng rau trước khi thu hoạch. |
Chị Sửu sinh ra trong một gia đình thuần nông vốn quen với việc đồng áng. Năm 1977, chị lập gia đình với anh Trần Viết Dự, người cùng xã, là bệnh binh. Những năm đầu lập gia đình, do điều kiện sức khỏe của anh không làm việc nặng được nên kinh tế gia đình chị từng trải qua những năm tháng khó khăn. Quê hương chị được thiên nhiên ưu đãi vùng đất màu mỡ do phù sa sông Hồng bồi đắp, không chỉ thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh mà còn rất tốt cho việc trồng các loại rau màu. Nhận thấy ruộng đất bề bề mà thu nhập kinh tế gia đình thấp, chị đã nghiên cứu và bắt đầu tiến hành trồng rau theo phương pháp truyền thống để cung ứng ra thị trường với diện tích ban đầu là 5 sào đất. Là người phụ nữ đảm đang, nhạy bén, nắm bắt được lợi thế của đất đai và nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2006, được sự quan tâm của Hội Phụ nữ xã trong hoạt động hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, chị đã mạnh dạn bàn với chồng mua thêm 1 mẫu đất trồng rau, mở rộng diện tích đất canh tác của gia đình lên 1,5 mẫu. Chị nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng trồng rau sạch, chủ yếu chọn các loại rau như: rau muống, mồng tơi, rau ngót, bắp cải, bí xanh, bí đỏ, cải ngọt... với sản lượng trung bình 10 tấn/năm. Vườn rau được thiết kế có lưới vây quanh để tránh các loại côn trùng độc hại và chuột bọ cắn phá. Chị Sửu cũng tiến hành trồng rau và phun thuốc sinh học cho rau theo đúng quy trình nghiêm ngặt. Nhận thức khi vấn đề rau nhiễm hóa chất, thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường đang trở thành mối lo thường trực thì nhu cầu rau sạch đang trở nên bức thiết nên chị luôn tuân thủ nghiêm túc các quy trình trồng rau đảm bảo VSATTP. Với lương tâm của người làm nghề nên nguồn rau của gia đình chị được nhiều Cty và trường học trên địa bàn thành phố tin tưởng đặt hàng như: Cty CP May Sông Hồng (từ năm 2006), Cty TNHH Youngone Nam Định (từ năm 2006), Cty TNHH Maxsport; các trường THPT Nguyễn Khuyến, Lê Hồng Phong và một số trường mầm non, tiểu học. Chị đã vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT đầu tư mua 2 xe tải phục vụ việc vận chuyển rau. Mô hình trồng rau sạch của chị Sửu đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động nữ với mức thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng; 2 lái xe với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng rau sạch, gia đình chị có thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm, xây được nhà cao tầng khang trang, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại. Giờ đây, cái tên “Bà Sửu rau sạch” đã trở thành “thương hiệu”, được nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh biết đến.
Năm 2015, xã Mỹ Tân là một trong những xã được tỉnh chọn làm điểm đã về đích xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Để tiếp tục duy trì, giữ vững xã NTM kiểu mẫu, thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã và Ban thường vụ Hội LHPN huyện Mỹ Lộc, Hội Phụ nữ xã đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực đóng góp một phần việc trong phong trào xây dựng NTM và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã bằng việc thành lập “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn”. Chị Sửu là một trong những hội viên tích cực đi đầu trong các phong trào do Hội phát động. Năm 2016, chị được bầu làm tổ trưởng “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” với 15 tổ viên tham gia. Mô hình không chỉ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ để sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng mà còn góp phần vào Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã trong tổng thể chương trình xây dựng NTM với quy hoạch vùng chuyên canh rau sạch 34,68ha. Tham gia mô hình, Ban quản lý và các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăm bón, nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn; được chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Ngay sau khi tổ liên kết được thành lập, chị Sửu thường xuyên duy trì lịch sinh hoạt tổ đều đặn, đồng thời nắm bắt tình hình, ý kiến phản ánh của chị em hội viên trong tổ về việc sản xuất rau an toàn. Chị đã tới tận nhà từng hội viên có nhu cầu trồng rau để hướng dẫn cách thức trồng và quy trình phun thuốc. Thêm vào đó, chị đứng ra thu mua tất cả các sản phẩm rau an toàn do chị em hội viên trong tổ liên kết sản xuất. Chính những việc làm này đã tạo sự gắn kết chị em hội viên trong tổ, giúp cho chị em hiểu rõ hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Cách làm của chị cùng với hoạt động của mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” mang lại hiệu quả cao, được hội viên, phụ nữ trong huyện tới tham quan, học tập và áp dụng.
Mô hình trồng rau sạch của Hội Phụ nữ xã Mỹ Tân đã giúp chị em trong thôn, xóm vươn lên thoát nghèo, tích cực góp phần vào phong trào phụ nữ và công cuộc xây dựng NTM của địa phương. Nhờ đó, xã đã được UBND tỉnh công nhận là xã NTM, Hội Phụ nữ xã được công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc 5 năm liền./.
Bài và ảnh: Lam Hồng