Thông tin dự báo thị trường là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp có định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, hạn chế tình trạng cung - cầu không hợp lý. Đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, đảm bảo ổn định, nhất là quản lý giá. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác dự báo thị trường của tỉnh ta còn nhiều hạn chế, chất lượng dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến sự điều tiết chung về thị trường trong tỉnh.
Trồng cà chua tại Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). |
Công tác thông tin dự báo thị trường trên địa bàn tỉnh ta được phân công thực hiện bởi các sở, ngành theo quy định quản lý hàng hóa ở từng lĩnh vực chuyên môn. Trong đó Sở Công thương có nhiệm vụ bao quát, tổng hợp và xử lý các thông tin về tổng mức lưu chuyển hàng hóa, tổng cung, tổng cầu, mức dự trữ lưu thông và biến động giá cả của các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và hàng hóa lưu thông trên thị trường; chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp điều tiết lưu thông hàng hóa tại từng thời điểm nhất định. Các sở, ngành khác trực tiếp quản lý tổng hợp thông tin về giá cả, khả năng biến động cung - cầu của từng nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc ngành phục vụ định hướng phát triển sản xuất. Tuy nhiên công tác thông tin dự báo thị trường thời gian qua ở hầu hết các đơn vị trên địa bàn mới dừng ở công việc thống kê, so sánh giá các mặt hàng giữa các tháng mà chưa thực hiện được việc điều tra, nghiên cứu, dự báo nhu cầu của thị trường... Việc đánh giá thông tin thị trường còn mang tính hình thức, thông tin tình hình giá cả một số mặt hàng còn chưa sát thực tế... Do chất lượng thông tin dự báo thị trường của cơ quan chức năng chưa tốt nên hầu hết các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu, dự báo thị trường để định hướng sản xuất, kinh doanh cho riêng mình. Tuy nhiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là các hộ sản xuất nông nghiệp không có điều kiện, năng lực để nghiên cứu phân tích thị trường thường xuyên có nguy cơ thiệt hại khi không đánh giá chính xác nhu cầu thị trường. Minh chứng điển hình là tình trạng dư thừa một số sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp diễn ra phổ biến trong những năm gần đây, thường xuyên phải kêu gọi cộng đồng “giải cứu” tiêu thụ. Điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra dai dẳng đối với nhiều loại nông sản từ rau, củ, quả đến sản phẩm chăn nuôi. Do thiếu thông tin thị trường nên hiện nay nhiều hộ dân vẫn đang đi ngược quy trình sản xuất chuẩn; thay vì tìm hiểu thông tin thị trường rồi mới đầu tư sản xuất, thì các hộ nông dân lại đua nhau sản xuất, thậm chí phá vỡ quy hoạch khi thấy một loại nông sản nào đó được giá. Sản phẩm làm ra với sản lượng quá lớn nhưng khâu tiêu thụ chỉ chờ thương lái thu mua dẫn đến bị ép cấp, ép giá, thiệt hại nặng nề vì cung vượt cầu quá nhiều. Người nông dân vẫn chưa có được những thông tin như mặt hàng đó thị trường có cần không, cần bao nhiêu, thời điểm nào cần, tiêu chuẩn thế nào trước khi tổ chức sản xuất. Câu chuyện “vỡ trận” chăn nuôi lợn trên cả nước cũng như ở tỉnh ta trong 2 năm 2016-2017 là một ví dụ. Không chỉ đối với đàn lợn, đầu năm 2018, sản phẩm cây vụ đông, chủ yếu là su hào, củ cải, cà chua, khoai tây giá giảm đáng kể, chỉ bằng ¼ so với cùng kỳ mọi năm. Thậm chí nhiều nơi bà con nông dân phải nhổ bỏ để trồng cây khác cho kịp thời vụ. Trong đó, khoai tây là cây trồng vốn đang được các ngành chức năng khuyến khích mở rộng sản xuất. Tuy nhiên do không chủ động được thị trường tiêu thụ, bà con nông dân lại mở rộng diện tích quá nhanh do được hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây trồng và thời tiết thuận lợi nên năm nay khoai tây được mùa, củ to, bóng đẹp nhưng sức mua chậm, giá bán giảm 3-4 lần so với mọi năm. Với giá bán chỉ 4.000 đồng/kg khoai tây tại thời điểm chính vụ, không đủ chi phí đầu tư đầu vào, chưa tính đến sức người, và giá trị sử dụng đất trong suốt 3 tháng. Ngoài ra, những nỗ lực đầu tư khoa học kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đều không phát huy giá trị, là một sự lãng phí vô cùng lớn.
Để nâng cao chất lượng dự báo thị trường, thời gian tới, các sở, ngành chức năng cần tăng cường phối hợp đa chiều liên ngành với các doanh nghiệp, các địa phương trong tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại cung cấp thông tin thị trường đối với các mặt hàng nói chung, đặc biệt là nông sản nói riêng. Nâng cao chất lượng các bản tin thị trường theo hướng bám sát tình hình thị trường, tăng cường tính dự báo, phân tích và định hướng sản xuất, tiêu dùng. Tư vấn, hướng dẫn người sản xuất kỹ năng phân tích đánh giá thị trường, cung cấp các địa chỉ nguồn cung thông tin có chất lượng để người sản xuất, nhất là nông dân, tìm hiểu, tham khảo trước khi quyết định đầu tư. Hỗ trợ người dân đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến bị thao túng gây ách tắc đầu ra. Ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin về dự báo thị trường, xây dựng quy hoạch sản xuất hợp lý, để các sản phẩm nông nghiệp không còn cảnh được mất bấp bênh, chính người nông dân phải sớm thay đổi cung cách sản xuất. Thay vì nuôi, trồng tự phát theo phong trào, chạy theo sản lượng, nông dân phải sản xuất theo quy hoạch, cũng như cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bởi doanh nghiệp có điều kiện và năng lực để đánh giá nắm rõ nhất thị trường cần gì, cần bao nhiêu vào thời điểm nào./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương