Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng hóa

08:03, 06/03/2018

Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH) là hoạt động bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước đối với chất lượng SPHH trong quá trình sản xuất, kinh doanh; kịp thời chấn chỉnh những sai sót và ngăn chặn hậu quả thiệt hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín của cơ sở, quốc gia do SPHH không bảo đảm chất lượng gây ra. Hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH những năm qua đã được các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh.

Nhận thức được vị trí, vai trò của công tác quản lý chất lượng SPHH trong nền kinh tế hội nhập, thời gian qua, các ngành chức năng đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành 15 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng SPHH, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời tổ chức gần 100 buổi tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng SPHH cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước, hộ sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, nhiều phong trào hoạt động nâng cao chất lượng SPHH trong doanh nghiệp được phát động tổ chức như: Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia; chứng nhận và công bố hợp chuẩn cho chất lượng SPHH; bảo hộ sở hữu trí tuệ; đổi mới thiết bị, công nghệ… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng. Đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, các sở, ngành cũng đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi đảm bảo chất lượng SPHH của các doanh nghiệp, cơ sở. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tổng số 13.933 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh; đã phát hiện và xử lý 3.365 lượt cơ sở (chiếm 24,2% cơ sở được kiểm tra) vi phạm các quy định của Nhà nước về đo lường và chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, VSATTP… Xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo và phạt tiền hơn 2,3 tỷ đồng, tạm giữ và tiêu hủy nhiều loại SPHH không đảm bảo chất lượng. Trong đó, Sở Công thương tổ chức 385 đợt thanh tra, kiểm tra tại 406 cơ sở về nội dung ATTP; kinh doanh điện năng; an toàn điện; kiểm tra hàng giả, nhãn hàng hóa, chất lượng SPHH; chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng và an toàn hóa chất. Kết quả, phát hiện 243 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền phạt 619,72 triệu đồng và tịch thu hàng hóa trị giá 353,37 triệu đồng. Sở Y tế tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 8.788 cơ sở về nội dung hành nghề dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết quả, phát hiện 2.750 cơ sở vi phạm và đã xử lý vi phạm phạt tiền 178 cơ sở với số tiền là 327 triệu đồng; buộc ngừng hoạt động 5 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm 20 cơ sở và nhắc nhở 31 cơ sở. Chính quyền các địa phương cũng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng SPHH theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó huyện Hải Hậu là địa phương tiêu biểu làm tốt việc quản lý chất lượng SPHH ở cả khâu tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra thực tế chất lượng hàng hóa trên địa bàn. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương biên tập và phát 50 bản tin hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện văn bản pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng SPHH; Tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ đảm bảo chất lượng hàng hóa cho 500 hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng CN-TTCN; Tổ chức 5 đợt kiểm tra chất lượng hàng hóa thuộc các lĩnh vực ATTP, đo lường chất lượng xăng dầu. Qua đó, đã cảnh cáo 21 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng với 3 cơ sở sản xuất không đảm bảo VSATTP; tạm đình chỉ 3 cửa hàng xăng dầu do giấy phép hết hạn; đình chỉ vĩnh viễn 2 cửa hàng xăng dầu do không nằm trong quy hoạch mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu toàn tỉnh. Với việc tập trung cao độ vào nhiệm vụ kiểm tra chất lượng SPHH, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất và hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người dân như: dược phẩm; nông lâm, hải sản; VSATTP; mũ bảo hiểm; xăng dầu; hóa chất; rượu, bia; vật tư nông nghiệp… Qua đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều hành vi gian lận về chất lượng, đo lường, ghi nhãn hàng hóa; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng SPHH vẫn còn nhiều khó khăn như: Vi phạm về chất lượng SPHH trên địa bàn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực ATVSTP. Năng lực các phòng thử nghiệm chưa đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm chất lượng SPHH và thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra một số sản phẩm như: Nhóm hàng hóa mỹ phẩm của Sở Y tế, sản phẩm nông, lâm, hải sản của Sở NN và PTNT… Kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, số mẫu lấy thử nghiệm chất lượng còn ít nên khó phát hiện các vi phạm chất lượng; chưa đánh giá được một cách khách quan về tình hình chất lượng SPHH trong các khâu sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan cấp huyện, xã thiếu cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ đa ngành, đa lĩnh vực nên công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa chưa tích cực, chủ động triển khai.

Quản lý chất lượng SPHH là một công cụ quản lý hữu hiệu nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng SPHH phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước và xu thế hội nhập quốc tế. Do đó thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tốt các văn bản pháp luật về hoạt động này. Tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác quản lý chất lượng; đào tạo kiểm soát viên chất lượng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng SPHH. Đầu tư tăng năng lực cho các phòng thử nghiệm để hình thành tổ chức đánh giá sự phù hợp cho một số SPHH phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đẩy mạnh kiểm tra chất lượng SPHH lưu thông trên thị trường, hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và tổng kiểm tra theo các chuyên đề. Tuyên truyền, cảnh báo về hàng hóa vi phạm quy chuẩn chất lượng, độc hại để người tiêu dùng cảnh giác, tẩy chay và nâng cao nhận thức, kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa chất lượng, an toàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



Dụng cụ nhà hàng cũ giao hàng miễn phí gửi đồ qua mỹ 247Express - Đơn vị gửi hàng hà nội đà nẵng uy tín mua hộ hàng mỹ an toàn Order taobao nhanh chóng tại Cbay Logistics

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com