Cây vạn tuế từ lâu đã gắn bó với người dân xã Hải Cường (Hải Hậu). Ban đầu, cây vạn tuế được người dân địa phương trồng để làm cảnh, bán cho các Cty, cơ quan hoặc doanh nghiệp… và trồng tự phát mỗi hộ khoảng 5-6 gốc. Một vài năm trở lại đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lấy lá để trang trí tại các cửa hàng hoa, diện tích trồng cây vạn tuế đã không ngừng được mở rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hà ở xóm 1, xã Hải Cường chăm sóc vườn cây vạn tuế của gia đình. |
Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hà ở xóm 1, xã Hải Cường là hộ gia đình có thâm niên trồng cây vạn tuế ở địa phương. Ông Hà cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thấy người dân thường trồng cây vạn tuế xung quanh vườn rồi đánh lên chậu để chơi. Lớn lên một chút, thấy các lái buôn thường đến thu mua lá cây vạn tuế, tôi đã nghĩ đến mô hình trồng cây vừa bán lá, lại bán cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như thỏa thú đam mê chơi cây cảnh của mình…”. Nhận thấy cây vạn tuế khá dễ trồng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ông Hà đã mạnh dạn trồng 300 cây trên diện tích khoảng 450m2. Theo kinh nghiệm trồng cây vạn tuế của ông Hà, yếu tố để cây phát triển nhanh và quan trọng nhất là đất trồng phải màu mỡ, khi làm đất phải bón lót phân chuồng hoại mục, không sử dụng phân hóa học, phải dùng đất lấy từ ao bùn đã phơi khô hoặc đất đổ ải đập nhỏ ra để trồng. Thời vụ thích hợp nhất để trồng vào khoảng tháng 3, tháng 4, hoặc tháng 8, tháng 9. Trước khi trồng, phải làm đất rất kỹ và sạch cỏ, sau đó đánh luống, mỗi luống cao từ 25-30cm, rộng 1,2m. Khi làm đất, kết hợp trộn thêm vỏ trấu để tăng độ tơi xốp, tránh được cỏ mọc ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Khi các công đoạn làm đất xong xuôi cũng là lúc tiến hành trồng cây. Sau khi trồng xong thì tưới nước cho cây để rễ cây bám vào đất, tưới từ từ, tránh tưới mạnh sẽ làm trôi hết đất ở phần gốc, thường xuyên tưới nước 2-3 ngày/lần cho tới khi cây bén rễ. Không nên để đất khô ảnh hưởng tới khả năng ra lá của cây. “Khi cây vạn tuế phát triển ổn định cũng không đòi hỏi nhu cầu chăm sóc quá cầu kỳ, bởi cây có khả năng thích ứng cao với điều kiện ngoại cảnh; cây vạn tuế có tốc độ sinh trưởng chậm, nhu cầu dinh dưỡng không lớn, chỉ cần bón lót một lượng phân NPK vừa phải cho cây là được, nếu muốn lá xanh mượt thêm bón thúc cho cây bằng phân lân…”, ông Hà cho biết thêm. Ðể cây sinh trưởng, lá luôn xanh tốt và tăng khả năng ra lá non, cứ 2-3 tháng tưới phân cho cây 1 lần. Lúc cây vạn tuế trỗ lá non cũng là lúc phải phun thuốc trừ sâu cho cây để tránh sâu bệnh ăn hết lá cây. Trong quá trình phát triển, khi một lớp lá mới ra thì phải cắt bỏ những lá già đi, để cây phát triển chiều cao và ra lớp lá mới. Với quy trình chăm sóc tốt, từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch mất 2 năm (đối với cây con) và mất 6 tháng (đối với cây to) là có thể thu hoạch được lá. Khi lá non bắt đầu trỗ, những lá già trên cây không phát triển nữa là có thể cắt lá để thu hoạch. Một năm năm cây vạn tuế cho thu hoạch 2 lần mỗi lần 40 lá/cây. Ngoài ra, khi cây phát triển có độ cao trên 1m, người trồng có thể bán cả cây để phục vụ người chơi cây cảnh trên thị trường. Theo ước tính của ông Hà, với 300 cây vạn tuế, mỗi năm gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc bán lá cây. Nếu bán cả cây trưởng thành thì thu nhập có thể là hàng trăm triệu đồng/năm. So với lúa thì trồng vạn tuế nhàn và cho thu nhập cao hơn… Từ hiệu quả bước đầu của mô hình trồng cây vạn tuế của gia đình ông Hà, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích. Ðiển hình như gia đình chị Trịnh Thị Hương ở xóm 2. Năm 2011, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây vạn tuế mang lại, gia đình chị đã trồng thử nghiệm 200 gốc cây trên diện tích gần 1 sào. Sau 2 năm, cây vạn tuế đã cho thu hoạch. Năm 2015, chị quyết định đầu tư mua 300 cây giống trồng trên diện tích 500m2. Hiện tại, gia đình chị có 700 gốc vạn tuế, mang lại thu nhập cho gia đình chị hàng chục triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình phát triển ổn định, chị có điều kiện chăm lo cho các con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.
Theo ước tính của ông Hà, hiện toàn xã Hải Cường có khoảng 300 hộ dân trồng cây vạn tuế, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xóm 1 và xóm 2. Một số gia đình trồng nhiều như: hộ gia đình bà Trực xóm 1, bà Quynh, bà Kiều xóm 2... Trồng cây vạn tuế có nhiều ưu điểm vượt trội là dễ trồng và dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch nhanh, vốn đầu tư ban đầu không quá cao, cũng không tốn nhiều công chăm bón. Trong quá trình chăm sóc chỉ cần đặc biệt chú ý tới khâu phát triển lá để phun thuốc kịp thời, bởi vậy cây vạn tuế đang là giống cây tạo ra thu nhập ổn định cho người dân xã Hải Cường. Ngoài hiệu quả kinh tế, trồng cây vạn tuế còn tận dụng tối đa được lợi thế đất trống để trồng các loại cây rau màu giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ðể cây vạn tuế phát triển, thời gian tới, xã Hải Cường tiếp tục mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây vạn tuế theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tận dụng nguồn lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh