Thời gian gần đây khi thương mại điện tử phát triển đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua dịch vụ bưu điện và dịch vụ vận tải đường bộ. Tuy nhiên phương thức kinh doanh và giao nhận hàng này đang bị không ít người kinh doanh “chộp giật” lợi dụng để tiêu thụ hàng trôi nổi, hàng nhập lậu không nguồn gốc xuất xứ khiến cho công tác chống gian lận thương mại ngày càng trở nên phức tạp.
Đáp ứng nhu cầu “ngồi một chỗ nhấp chuột, hàng trao tận tay” của khách hàng trong thương mại điện tử nên bất cứ ai có thời gian rỗi muốn kiếm thêm thu nhập đều có thể trở thành người đưa hàng tham gia dịch vụ vận chuyển hàng hóa (shiper) do người bán thuê. Các sinh viên tranh thủ thời gian nghỉ học, các bác xe ôm trước đây chuyên chở khách nay đều dễ dàng nhận chuyển phát thuê, có điều kiện hơn là dịch vụ chuyển hàng bằng xe tải cho những chuyến hàng xa và số lượng lớn…
Lực lượng Quản lý thị trường niêm phong lô hàng hơn 2 tấn mứt không rõ nguồn gốc chuyên chở qua dịch vụ chuyển phát hàng hóa. |
Dịch vụ chuyển phát hàng hóa nở rộ tạo nguồn thu nhập, công việc ổn định cho nhiều người nhưng trên thực tế, để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, nhiều gian thương đã lợi dụng người ship hàng để thuê vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng không có hóa đơn, chứng từ. Vì vậy, nhiều “người đưa hàng” đã vô tình bị “thế thân” vi phạm pháp luật trong giao dịch thương mại và lưu thông hàng hóa do không hiểu rõ Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA ngày 8-10-2003 của liên Bộ Tài chính, Thương mại và Công an hướng dẫn về chế độ sử dụng hóa đơn, chứng từ. Trong đó, Thông tư 94 quy định hàng hoá đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, đã bán hay đang trong kho (gọi chung là lưu thông trên thị trường) đều phải có hoá đơn, chứng từ kèm theo chứng minh nguồn gốc hàng hoá là hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng cuối năm 2017, trong chương trình phối hợp kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường (Sở Công thương) và lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đã liên tiếp phát hiện 3 vụ việc chở hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn hàng hóa, trị giá hàng trăm triệu đồng lưu thông trên thị trường dưới danh nghĩa là hàng gửi chuyển phát tới địa chỉ người nhận. Trong đó, ngày 5-12-2017, lực lượng chức năng đã bắt giữ xe ô tô mang biển số 29C-688.08 vận chuyển 39 nhóm hàng hóa gồm: mỹ phẩm, quần áo, vải, giầy dép, túi xách, thiết bị điện, điện tử, dụng cụ cơ khí, đồ gia dụng, thuốc lá… Ngày 28-12-2017, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện xe ô tô mang biển số 29C-67.529 vận chuyển 13 nhóm hàng hóa tương tự như vụ việc trước. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa chuyên chở trên xe đều mang nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất nhưng không có bất kỳ hóa đơn chứng từ hợp pháp đảm bảo lưu thông. Chủ hàng cũng không lộ diện nên mọi giao dịch đều do lái xe đảm nhận. Theo lời khai ban đầu của lái xe, số hàng hóa trên do nhiều chủ hàng khác nhau đến nhà xe gửi vận chuyển thuê đến rất nhiều địa chỉ nhận. Trong đó hầu hết là quà biếu, tặng hay của cha mẹ gửi cho con cái, anh em bạn bè gửi cho nhau nên không ai để hóa đơn, chứng từ theo hàng; một phần khác là của các bạn hàng gửi cho nhau nên chỉ gửi theo hóa đơn bán hàng để xác nhận số lượng hàng hóa giao dịch. Hơn nữa do nhận vận chuyển hàng lấy công nên nhà xe cũng không yêu cầu xuất trình hóa đơn, chứng từ mà chỉ cần ghi rõ địa chỉ người nhận. Qua xác minh cụ thể một vài địa chỉ giao nhận trên bao bì hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện đây không phải là dịch vụ chuyển phát quà tặng như lời khai của lái xe bởi nhiều gói hàng có cùng địa chỉ người gửi nhưng có rất nhiều địa chỉ nhận với số lượng hàng, giá tiền trao đổi ghi rõ ngoài bao bì… Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ hàng hóa và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài hai xe hàng trên, còn rất nhiều vụ việc gian lận thương mại thông qua hình thức chuyển phát hàng hóa. Những mặt hàng được phát hiện trong thời gian này chủ yếu là rượu, quần áo, vải, nhu yếu phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc; ngoài ra, còn có một số mặt hàng bánh mứt kẹo, chất phụ gia, cơ khí, công nghiệp, điện tử, đồ chơi… Hầu hết hàng hóa được gửi chuyển phát bằng phương tiện vận tải là ô tô. Mọi việc quản lý hàng hóa, giao hàng cho khách rồi nhận tiền đều do lái xe đảm nhận, chủ hàng thường không đi theo xe. Khi lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật yêu cầu làm việc với chủ hàng thì lái xe, phụ xe để “bảo vệ” việc làm thường cung cấp tên, địa chỉ người gửi hàng, người nhận hàng không rõ ràng. Chủ hàng hầu như không trình diện, cơ quan chức năng buộc phải lập biên bản và xử lý theo diện hàng vắng chủ. Điều này hạn chế việc mở rộng điều tra của cơ quan lực lượng chức năng để xử lý triệt để, bóc dỡ các đường dây gian lận thương mại.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, thị trường dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất nổi lên hiện tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển, mua bán hàng không có hóa đơn chứng từ, nhiều nhất là hàng Trung Quốc nhập lậu vào địa bàn tỉnh ta, sau đó tiếp tục chuyển đi các tỉnh khác hoặc địa bàn nông thôn để tiêu thụ. Ngoài hệ thống Bưu điện hay các tập đoàn, doanh nghiệp chuyển phát lớn như Viettel… đã áp dụng các quy định về tiếp nhận hàng hóa chuyển phát và nhân viên được tập huấn nghiệp vụ giao dịch nên hạn chế việc gian thương lợi dụng để gian lận thương mại còn phần lớn các doanh nghiệp, cá nhân cung ứng các dịch vụ chuyển phát hàng hóa theo quy mô nhỏ, tự phát bằng phương tiện cá nhân có nhiều dấu hiệu vi phạm đáng báo động. Đặc biệt nhiều chủ hàng biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên sẵn sàng chấp nhận bỏ hàng mà không xuất đầu lộ diện nếu bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại qua dịch vụ chuyển phát hàng hóa, lực lượng QLTT sẽ tập trung lực lượng làm tốt công tác nắm tình hình thị trường, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, KH và CN, tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời và kiên quyết đối với các trường hợp gian lận thương mại. Bên cạnh việc các ngành chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc đấu tranh quyết liệt với các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và kinh doanh hàng nhập lậu, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, nên tìm hiểu kỹ, mua hàng có xuất xứ rõ ràng tại những cơ sở có uy tín; kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại dưới bất kỳ hình thức nào./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương