Lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong phân biệt hàng thật, hàng giả của người dân địa bàn nông thôn, nhiều đối tượng kinh doanh trái pháp luật đã tìm mọi cách đưa ra thị trường các loại hàng hóa vi phạm, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, làm giả mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa của các thương hiệu có uy tín được người dân tin dùng… để trục lợi. Thậm chí các gian thương còn lợi dụng sự cả tin của một số cán bộ hội, đoàn thể cơ sở thôn, xóm, mượn địa điểm sinh hoạt công cộng như hội trường, nhà văn hóa… để hoạt động bán hàng, quảng cáo gian lận thương mại.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. |
Cuối năm 2017, rất nhiều người dân ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Giao Thủy… được một số doanh nghiệp mời đến trụ sở trường học, nhà văn hóa thôn, xóm để tham gia chương trình “hội thảo tri ân khách hàng”. Chỉ cần có mặt dự hội thảo, người tham gia được tặng một số sản phẩm như bóng đèn, vòi hoa sen và hứa hẹn sẽ tặng những món quà giá trị hơn hoặc tặng thẻ mua hàng để tham gia chương trình mua hàng giá 0 đồng hoặc bằng nửa giá niêm yết khi mua bất kỳ một mặt hàng nào bày bán tại hội thảo như: như nồi cơm điện, bếp từ, máy xay sinh tố, chảo điện đa năng, ổ cắm điện chống nước, các sản phẩm đèn tiết kiệm điện, đèn năng lượng… Mặt hàng nào cũng được người bán hàng giới thiệu chất lượng tốt, có nhiều tính năng ưu việt. Điều đặc biệt sản phẩm thường được niêm yết giá rất cao và giá bán thì rất thấp như: một sản phẩm có giá niêm yết gần 3 triệu đồng nhưng Cty giảm giá chỉ còn trên 2 triệu đồng và tặng kèm một cái chảo hay một cái bóng đèn có tổng giá trị tương đương với giá tiền người mua bỏ ra. Những người mạnh dạn mua hàng đầu tiên đều được tặng quà “thể hiện lòng tri ân với khách hàng” nên có tác dụng kích cầu rất nhanh. Từ một hai người dè dặt mua ban đầu, rồi cuối cùng cả hội trường hầu như chẳng ai là không mua một món hàng nào đó?! Nhiều người không có thẻ mua hàng còn nhờ những người có thẻ mua giùm. Tuy nhiên khi kết thúc hội thảo nhiều người mới phát hiện ra chất lượng sản phẩm không như mong muốn, một số sản phẩm không hoạt động ngay trong lần đầu kích hoạt… gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc cho người tiêu dùng. Tại huyện Nam Trực, Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại tổng hợp Quyết Thắng, địa chỉ Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) đã tổ chức bán sản phẩm gia dụng cao cấp mang nhãn hiệu BESUTO Việt Nam cho giáo viên các trường THCS, Trường Tiểu học Nam Dương, xã Nam Dương; Trường Tiểu học Nam Thành, xã Đồng Sơn và Trường Tiểu học Nam Giang, Thị trấn Nam Giang với tổng giá trị hàng hóa lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi mang về sử dụng, các giáo viên phát hiện chất lượng sản phẩm rất kém, đặc biệt giá quá đắt so với thị trường. Sau đó khi biết Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Quyết Thắng tiếp tục tổ chức bán hàng tại Trường Tiểu học Thị trấn Nam Giang, các cán bộ, giáo viên của ba trường học trên mang theo hàng đã mua, tập trung chặn đường, yêu cầu nhân viên của Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Quyết Thắng nhận lại hàng và trả lại tiền. Cũng với hình thức tương tự, tại huyện Xuân Trường, Cty CP Thương mại và tổng hợp Kiều Thiên Phát (Hà Nội) tổ chức quảng cáo, tiếp thị và bán đồ gia dụng cho người dân xã Xuân Châu. Do bán hàng ở địa bàn khu dân cư nên ngoài nhóm hàng hóa giá trị cao còn có nhiều sản phẩm rẻ tiền khác như: sáp tẩy rửa đa năng, ổ cắm chống giật khi gặp nước, vòi hoa sen tăng áp, dầu xoa, đèn pin… Tất cả sản phẩm đều được dán nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao mang nhãn hiệu Model S Việt. Tại đây, 35 nồi cơm điện đa năng, 35 chảo điện, 85 đèn pin, 122 hộp dầu xoa, 79 ổ điện, 23 ổ cắm cách điện được người dân mua với tổng trị giá lên đến trên 80 triệu đồng. Ngay khi phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường như nồi cơm không có đinh ốc, khớp nối giữa các bộ phận rời rạc, không chắc chắn; chảo điện bị bong tróc sơn… một số hộ dân đã tìm gặp nhân viên Cty để trả lại hàng hóa dẫn tới phát sinh mâu thuẫn. Sự việc được thông tin đến cơ quan chức năng, Đội Quản lý thị trường số 9 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) đã phối hợp với Công an huyện Xuân Trường kiểm tra việc bán hàng của Cty CP Thương mại và tổng hợp Kiều Thiên Phát trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, Cty CP Thương mại và tổng hợp Kiều Thiên Phát không chứng minh được xuất xứ hàng hóa của lô hàng; quảng cáo quá sự thật về chất lượng, công dụng của sản phẩm. Tiếp tục mở rộng điều tra, toàn bộ số hàng hóa trên đều là hàng Trung Quốc, được Cty đóng gói vào bao bì hàng Việt Nam với nhãn hiệu Model S Việt để dễ tiêu thụ. Ngoài địa bàn xã Xuân Châu, trước đó, Cty này cũng đã bán hàng tại xã Xuân Tiến. Do tính chất phức tạp của vụ việc, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, phương tiện vận chuyển để tiếp tục điều tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu đại diện Cty hoàn trả toàn bộ số tiền mà người dân đã mua sản phẩm.
Ngoài những vụ việc trên, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về thương mại liên quan đến hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất ở nông thôn. Trong năm 2017, riêng lực lượng Quản lý thị trường tỉnh ta xử lý 1.531 vụ việc vi phạm gian lận thương mại, trong đó có đến 1.264 vụ việc ở địa bàn nông thôn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tiền của và sức khỏe của người dân. Thực tế theo quan sát của chúng tôi, tại các chợ dân sinh trong tỉnh, nhất là chợ ở địa bàn nông thôn, hàng kém chất lượng bày bán gần như công khai, chủ yếu là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nếu là hàng nhập khẩu thường không kèm nhãn phụ và không được bảo quản theo quy chuẩn. Chỉ riêng nhóm hàng thời trang thì hàng nhái tràn lan, người tiêu dùng dễ dàng mua được một chiếc quần bò nhái thương hiệu Levi’s, hay chiếc túi xách tay nhãn hiệu Gucci, Chanel, Hermes giá vài trăm nghìn đồng tại chợ dân sinh vùng nông thôn. Đặc biệt nguy hại là các loại mỹ phẩm nhái nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng khác cũng được bày bán công khai. Một trong những nguyên nhân người dân vẫn bị “mắc lừa” các đối tượng gian lận thương mại này là “tin” vào việc tổ chức hoạt động bán hàng công khai tại các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, có sự giới thiệu của các tổ chức đoàn thể của thôn, xóm; trong khi nhiều cán bộ cơ sở thiếu kinh nghiệm, kiến thức phòng ngừa các thủ đoạn của gian thương. Để đấu tranh với tình trạng gian lận thương mại ở thị trường nông thôn, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và chấp hành nghiêm các quy định trong lĩnh vực thương mại; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và người dân trong công tác chống gian lận thương mại khu vực nông thôn và khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác trước những mánh khóe lừa đảo, sẵn sàng tố giác và tẩy chay những tổ chức, cá nhân có biểu hiện gian lận thương mại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương