Theo dự báo của Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất tăng khoảng 15% so với trung bình các tháng trong năm và không tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017 do tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo đó, giá bán hầu hết các mặt hàng sẽ không có biến động nhiều do tâm lý tiết kiệm chi tiêu của một bộ phận lớn người dân khu vực nông thôn, các xã, thị trấn ven biển. Trong tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn, dự báo sức mua giảm nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh vẫn chủ động chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Big C (TP Nam Định). |
Ngay từ đầu quý IV-2017, Sở Công thương đã phối hợp với Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định tiến hành khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn và tham mưu cho UBND các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm; nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết theo hướng tập trung nhiều vào phân khúc hàng hóa có mức giá trung bình phù hợp với khả năng kinh tế của người dân. Theo đó, 5 nhóm hàng chủ yếu được chuẩn bị phục vụ Tết, gồm: lương thực, thực phẩm, đồ uống; hàng may mặc, giày dép; máy móc, thiết bị điện tử; trang trí nội thất, đồ gia dụng; hàng công nghệ tiêu dùng, xăng dầu. Tại Cty CP Lương thực Nam Định, để bảo đảm cung ứng các loại gạo đạt chất lượng tốt cho người dân sử dụng trong dịp Tết, Cty đã tập trung nhập và chọn lựa những lô hàng đạt chuẩn, tổ chức đóng gói với bao bì đẹp, đa dạng về chủng loại và trọng lượng. Hiện tại, Cty đã chuẩn bị sẵn sàng trong kho khoảng 600 tấn gạo các loại; trong đó có 125 tấn gạo tám, 125 tấn gạo nếp, 250 tấn gạo tẻ; 20-30 tấn gạo sạch chất lượng cao để cung ứng cho khách hàng. Tại Cty CP Bia NaDa cũng đã huy động toàn nhân công, nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất hàng phục vụ nhu cầu sử dụng dịp Tết. Theo đó, ngoài sản phẩm truyền thống là bia lon, bia chai đóng két 24 sản phẩm, Cty còn chia nhỏ sản phẩm xách tay 12 hoặc 16 chai, lon và thiết kế túi sách chuyên dụng tiện lợi phù hợp với yêu cầu làm quà biếu của khách hàng. Hiện tại, Cty đã dự trữ 330 nghìn thùng bia và đang tiếp tục sản xuất thêm hàng để cung ứng tối đa nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhóm các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ phẩm tiêu dùng trong tỉnh cũng chủ động thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Trong đó, các Cty TNHH Bánh kẹo Đại Thắng, Cty TNHH bánh kẹo Hòa Bình (TP Nam Định) đã nâng công suất dây chuyền sản xuất bánh trứng nướng, phát triển thêm các sản phẩm mứt hoa quả truyền thống và kẹo dẻo hương hoa quả. Doanh nghiệp Tư nhân Nam Sơn (TP Nam Định) đã chuẩn bị 4 tấn bánh kẹo, 3 tấn đường ăn, 4.000 thùng mỳ tôm, 8.000 cây thuốc lá và một số mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, mỳ chính… phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cty CP Thương mại tổng hợp Thành phố Nam Định đã chuẩn bị 45 tấn bánh kẹo các loại. Cty TNHH Thương mại Long Việt đã chuẩn bị 50 tấn bánh kẹo, 75 nghìn chai rượu, 10 nghìn thùng bia, 40 nghìn thùng mỳ tôm, 100 nghìn cây thuốc lá. Các hộ kinh doanh tại chợ Mỹ Tho đã dự trữ được 200 tấn gạo nếp, tẻ và gạo tám, 40 nghìn thùng mỳ tôm, 10 nghìn cây thuốc lá, 20 nghìn thùng bia, 10 nghìn chai rượu, 30 nghìn cân chè, 500 tấn bánh kẹo, 100 tấn đường ăn và đã ký kết đơn hàng, bảo đảm nguồn nhập và số lượng các mặt hàng tươi sống đạt khoảng 5 tấn thịt lợn, 3 tấn thịt bò, 10 tấn rau củ các loại… Riêng nhóm các siêu thị như Big C, Micom Palaza, Co.op Mart… là những đơn vị có quy mô cung ứng hàng tiêu dùng lớn nhất trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đã chuẩn bị đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong ngày Tết của khách hàng với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, Siêu thị Big C đã ký kết với nhà sản xuất trong toàn quốc giữ giá tại thời điểm ký hợp đồng và luôn ưu tiên bổ sung thêm hàng hóa vào bất cứ lúc nào để Big C bảo đảm phục vụ khách hàng một cách chu đáo nhất. Theo đó Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Siêu thị Big C dự trữ khoảng: 9 tấn gạo, 8 tấn bánh kẹo, 7 tấn đường, 25 nghìn thùng mỳ tôm, 1,8 tấn thịt lợn, 1 tấn thịt bò… Siêu thị Micom Plaza chuẩn bị lực lượng hàng hóa gồm 34,5 tấn gạo các loại, 81 tấn đường, bột ngọt các loại, 5 tấn sữa các loại, 5.000 chai dầu ăn các loại, 10.500 thùng mỳ tôm, 225 tấn bánh kẹo các loại, 30 nghìn thùng bia các loại và 1 tấn rau củ quả, 750kg chè. Các làng nghề sản xuất hàng hóa tiêu dùng cho Tết Âm lịch như miến dong làng Phượng xã Nam Dương, hoa lụa Báo Đáp, Hồng Quang Nam Trực, nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), Ngọc Lâm (Nghĩa Hải), các làng nghề thủ công truyền thống… cũng đã tất bật chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường… Đến thời điểm hiện nay, lượng hàng hóa phục vụ Tết đã được các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt giá trị khoảng 300 tỷ đồng. Tổng số lượng hàng hoá bao gồm: 1.260 tấn gạo các loại, 2 nghìn tấn bánh kẹo, 250 tấn đường ăn, 49.380 thùng bia, 130 nghìn chai rượu, 50 tấn chè, 100 tấn thuỷ, hải sản… Khối doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng đã chuẩn bị khoảng 20.400m3 xăng, 20.250m3 dầu các loại và 1.500 tấn gas để phục vụ nhu cầu về chất đốt của người dân và các phương tiện vận tải đi lại trong dịp Tết suốt 24/24 giờ trong cả 3 ngày Tết mà không tăng giá dịch vụ. Một số nhóm hàng mang tính đặc trưng như hoa, cây cảnh, rau xanh, sản phẩm thủy, hải sản tươi sống không dự trữ được trong thời gian dài, các ngành chức năng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch, hợp đồng cụ thể với từng vùng sản xuất để cung ứng tới người tiêu dùng kịp thời, đảm bảo ATVSTP. Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại liên tục triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu, giảm giá, tăng cường dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng như giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách đến mua sắm.
Với sự chuẩn bị tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, chắc chắn nhân dân toàn tỉnh sẽ được đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu tiêu dùng với chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng đưa ra khuyến cáo đến người dân nên cân nhắc, lựa chọn mua sắm đủ lượng hàng hoá, tránh mua sắm vượt quá nhu cầu sử dụng, nhất là đối với các loại thực phẩm tươi sống; khi mua hàng phải chú ý kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng và tham khảo, tìm ra mức giá phù hợp nhất, tránh để các đối tượng lợi dụng tăng giá và bán hàng hoá kém chất lượng. Sở Công thương khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập những cửa hàng bình ổn giá, có chính sách khuyến mại hợp lý tạo điều kiện thu hút nhân dân mua sắm, đảm bảo ổn định cung cầu trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương