Chuyển biến tích cực từ sản xuất đến tiêu dùng

08:12, 12/12/2017

Năm 2017 được xác định là Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với cả nước, tỉnh ta đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, ngăn chặn các hành vi sử dụng hóa chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản, giảm thiểu vi phạm về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm chế biến thuộc phạm vi quản lý của ngành NN và PTNT.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể của Cty CP May Sông Hồng, cơ sở tại huyện Nghĩa Hưng.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể của Cty CP May Sông Hồng, cơ sở tại huyện Nghĩa Hưng.

Sở NN và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung vận động, hướng dẫn thực địa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt (GAP, GMP...), đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc BVTV, thuốc thú y ngoài danh mục, tuân thủ “4 đúng” về sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y. Phổ biến các quy định của pháp luật cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản hiểu về các mức xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy tố hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP... Sở NN và PTNT đã hỗ trợ thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định và đẩy mạnh hoạt động để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị. Hiệp hội đã thu hút được trên 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia. Công tác kết nối, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được quan tâm đẩy mạnh, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công 13 chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng như các sản phẩm: ngô sấy, khoai tây sấy; gạo sạch; sứa ăn liền; giò 7 phút; chả cá… Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 19 cửa hàng thực phẩm nông sản an toàn để người tiêu dùng lựa chọn như: hệ thống cửa hàng kinh doanh thịt sạch Minh Long, cửa hàng rau sạch Linh Chi… Mặc dù số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh chưa nhiều nhưng bước đầu đã có chuyển biến về tư duy kinh doanh, là cầu nối hỗ trợ nông dân, ngư dân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung để cung cấp đủ nguồn hàng cho doanh nghiệp kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản, thiết lập mối liên kết chặt chẽ, kiểm soát đầy đủ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi từ sản xuất ban đầu đến tiêu dùng như: Cty TNHH Toản Xuân; Cty TNHH Minh Dương, Cty Thủy sản Lenger… tạo tiền đề tốt cho việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn trong thời gian tới. Mặt khác công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm an toàn, kết nối giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng được quan tâm và đẩy mạnh. Sở NN và PTNT đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở tham gia quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, diễn đàn về nông nghiệp sạch trong, ngoài tỉnh; một số sản phẩm của tỉnh đã tiếp cận và dần mở rộng thị trường trong nước như: gạo sạch, nước mắm, rau, quả sấy, thịt chế biến sẵn…

Trong công tác giám sát ATTP năm 2017, các đơn vị chuyên môn của Sở đã lấy trên 200 mẫu nông sản, thủy sản như: thịt tươi các loại, thịt chế biến, thức ăn chăn nuôi; rau, củ, quả; thủy sản chế biến… để xét nghiệm các chỉ tiêu. Kết quả, phát hiện 8 mẫu nông sản (chủ yếu là giò, chả) vi phạm chỉ tiêu về vi sinh; cơ quan chức năng đã kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các địa phương cơ sở sản xuất, kinh doanh có biện pháp xử lý phù hợp. Các vùng nuôi ngao của tỉnh vẫn đạt các điều kiện an toàn để được phép thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường EU; năm 2017, Sở NN và PTNT đã cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho trên 15 nghìn tấn ngao để chế biến xuất khẩu. Trong năm, Sở NN và PTNT đã kiểm tra, đánh giá, xếp loại gần 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, Sở kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở; số cơ sở xếp loại C đã giảm xuống 50% so với năm 2016. Hướng dẫn, kiểm tra, ký cam kết với trên 15 nghìn cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ) về sản xuất thực phẩm an toàn, không sử dụng chất cấm… Ngoài nỗ lực của Sở NN và PTNT, các cấp huyện, xã đã có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với ngành NN và PTNT triển khai các hoạt động của Năm cao điểm VSATTP, tập trung kiểm soát tốt công đoạn sản xuất ban đầu tại các địa phương. Các huyện, xã đều đã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP, do vậy hoạt động quản lý chất lượng VSATTP của cấp huyện, xã đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do hệ thống cơ quan này ở cấp huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách nên các hoạt động chủ yếu là phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở NN và PTNT thanh tra, kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo định kỳ và các đợt cao điểm trong năm. Cấp huyện, xã mới chủ động được công tác tuyên truyền pháp luật và giám sát đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và các hoạt động trong các đợt cao điểm theo sự phát động của ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh. Góp phần khắc phục hạn chế trên, năm qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức 10 lớp bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ Ban Nông nghiệp và lãnh đạo các xã về công tác quản lý, giám sát VSATTP tại 10 huyện, thành phố. Nhìn chung, Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017 đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là giữa ngành NN và PTNT với ngành Y tế, Công thương, đoàn thể; giữa các đơn vị có liên quan trong Sở và có sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân. Do đó nhận thức, ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm an toàn và quảng bá cho sản phẩm an toàn, bắt đầu có sự khác biệt về lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm an toàn trên thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nâng cao một bước ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thể hiện ở việc quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi quy trình công nghệ, quan tâm đến việc liên kết chuỗi. Số vụ vi phạm VSATTP bị phát hiện đã giảm nhiều so với năm trước, không có những vụ vi phạm nghiêm trọng xảy ra.

Trong thời gian tới, ngành NN và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Chú trọng xây dựng, kết nối sản phẩm và phát triển các chuỗi liên kết tạo thương hiệu cho nông sản, thực phẩm sạch. Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống quản lý về VSATTP tại các địa phương từ huyện đến xã. Hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tăng cường áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong từng lĩnh vực như: HACCP, GMP, ISO… và đặc biệt là áp dụng mã nhận diện QR code./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com