Thời gian gần đây trên thị trường tỉnh ta xuất hiện nhiều cửa hàng bán sản phẩm thời trang quảng cáo là hàng Việt Nam xuất khẩu hay “hàng xuất dư”. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, “hàng xuất dư” còn nở rộ trên các trang mạng xã hội với những lời quảng cáo “đường mật” dễ hút người tiêu dùng vốn đã bắt đầu tin tưởng vào hàng Việt chất lượng cao. Tuy nhiên không như mong đợi, hầu hết sản phẩm giới thiệu là hàng xuất dư đều nhập nhèm về chất lượng và giá cả gây thiệt hại cho khách hàng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát nhóm hàng quần áo may sẵn lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh. |
Những năm trước đây, thi thoảng tôi lại mua được những sản phẩm quần áo chất lượng cao với giá “rẻ như cho” ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp may xuất khẩu lớn trên địa bàn. Gần đây khi thấy trên thị trường xuất hiện hàng loạt cửa hàng treo biển Hàng Việt Nam xuất khẩu, tôi mừng thầm vì có cơ hội lựa chọn nhiều sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên khi đi chọn hàng thấy chất lượng sản phẩm đáng nghi ngờ. Trong vai người bán hàng online, kiêm người giao hàng tôi đã dần được các chủ cửa hàng bán hàng Việt Nam xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Nam Định tin tưởng giao dịch cởi mở và đã phát hiện ra sự thật về không ít sản phẩm gắn mác hàng xuất dư. Theo đó hàng xuất dư thật chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ tại các cửa hàng này dành cho những khách hàng có kinh nghiệm, sành về hàng xuất khẩu, còn lại là hàng nhái. Những sản phẩm này được các thương lái nhập từ Trung Quốc hay chọn mẫu hàng thật ăn khách nhất của các hãng thời trang rồi đặt may gia công tại các xưởng may nhỏ; các loại nhãn mác giả các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Mango, Nike, GUCI... cũng được làm giả tinh vi và gắn nhãn đúng quy cách của hàng thật. Đối với những sản phẩm khó gia công hơn như giầy dép, túi xách lại được các tiểu thương đặt hàng từ Trung Quốc rồi gắn tem mác mới hoặc hủy tem mác với lý do “bảo đảm yêu cầu của đối tác khi đưa hàng xuất dư ra thị trường”. Câu trả lời chung chung này đã đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng khiến họ tin tưởng đó là hàng xuất dư “xịn” và được mua với giá rẻ. Chị Đinh Thị Thu Hà, Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) than thở, chưa kịp phấn khởi vì mua được một chiếc áo rét nhãn hiệu Mango với giá rẻ gần một triệu đồng (khi bán tại thị trường quốc tế là 3 triệu đồng) thì khi về nhà xem kỹ chị đã phát hiện ra nhiều chi tiết “tố cáo” sản phẩm đó không phải hàng xuất dư “xịn” như: Thiếu những thông tin cần thiết trên nhãn thường thấy đối với hàng xuất khẩu như hướng dẫn chế độ giặt, là, chất liệu, kích cỡ kỹ thuật, mã code của sản phẩm không được ghi đầy đủ và ghi sai chính tả. Bên cạnh đó ngoài những đường may chính chỉn chu, những chi tiết nhỏ trên sản phẩm may rất ẩu, đường kim mũi chỉ xộc xệch. Thậm chí khi đến cửa hàng hỏi mua thêm sản phẩm cùng cỡ, cùng màu “để tặng người thân”, chủ cửa hàng hồ hởi hứa hẹn giảm giá và cung ứng bất kể số lượng là điều bất khả thi nếu là hàng xuất khẩu dư xịn.
Theo các chuyên gia trong ngành may mặc, con đường ra thị trường của hàng xuất dư có mấy nguồn: các sản phẩm bị lỗi (theo quy định của bên đặt hàng, số hàng này phải bị tiêu hủy nhưng trên thực tế chúng “vẫn” được tuồn ra ngoài); hàng “rớt” hợp đồng (là các sản phẩm từ các đơn hàng mà doanh nghiệp không hoàn thành đúng thời hạn, bị khách hàng hủy hợp đồng, doanh nghiệp buộc phải bán ra thị trường nội địa để thu hồi vốn; hàng hải quan (là một lượng nhỏ hàng được các doanh nghiệp đưa cho cơ quan hải quan kiểm tra); hàng mẫu và cuối cùng là hàng nối chuyền (sản phẩm sản xuất từ lượng vải dư thừa trong quá trình sản xuất để dự phòng những sản phẩm bị lỗi, bị hỏng)… Do đó các sản phẩm xuất dư đúng thường không đủ cỡ (size), đủ số, có lỗi ở một vài chi tiết, thiếu các phụ kiện như khóa kéo, khuy cài và thường là lỗi mốt và đặc biệt cỡ rất to dù là size nhỏ nhất, không mấy phù hợp với vóc dáng người Việt. Hơn nữa do nguyên tắc sản xuất hàng xuất khẩu là toàn bộ nguyên liệu, phụ kiện tạo nên sản phẩm đều do đơn vị đặt hàng gửi sang. Để đảm bảo yếu tố cạnh tranh nên hầu hết các hãng đều kiểm soát nguyên liệu đầu vào và sản phẩm rất nghiêm ngặt. Mỗi đơn hàng chỉ cho phép dư thừa vải từ 1%-3%/đơn hàng để bù vào những sản phẩm không may bị lỗi, hỏng và yêu cầu đơn vị gia công phải tiêu hủy nguyên liệu dư thừa, hàng lỗi, hỏng để tránh sản xuất “nối bản” đưa ra thị trường. Đại diện một số doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn cũng khẳng định chắc chắn rằng: Không có chuyện Cty đem hàng xuất khẩu bán cho các cửa hàng chuyên bán đồ Việt Nam xuất khẩu, bởi các hợp đồng cam kết cung cấp sản phẩm giữa doanh nghiệp và đối tác nước ngoài khá chặt chẽ. Hơn nữa trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chẳng có ai đánh đổi một chút lợi ích nhỏ mà để mất uy tín với những bạn hàng lớn mang lại công ăn, việc làm cho hàng nghìn công nhân của Cty. Như vậy số lượng hàng xuất dư thực chất rất ít, nhất là hàng xuất sang các thị trường Mỹ, EU hoặc Nhật Bản.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện nay, trên thị trường có hơn 60% số hàng Việt Nam xuất khẩu được làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Trong đó, quần áo, túi xách, giày dép, đồ gia dụng núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn nhất. Trước tình hình nhập nhèm chất lượng, giá cả trong kinh doanh hàng xuất dư trên thị trường, vừa qua lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát thị trường kinh doanh hàng xuất dư; ngăn chặn việc lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng và phanh phui những cơ sở sản xuất chuyên gia công hàng may mặc rồi gắn nhãn mác giả hàng chính hãng. Trong đợt kiểm tra chuyên đề này, lực lượng đã vạch trần một cơ sở may gia công thuộc xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) tàng trữ các loại tem mác giả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các hãng thời trang nổi tiếng như: GUCI, Nike… và gia công hàng may mặc nhái theo mẫu của các hãng nổi tiếng. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại lớn đến kinh tế, tâm lý người tiêu dùng mà còn là nguyên nhân làm mất uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và toàn quốc nói chung khi đối tác nước ngoài điều tra thị trường, phát hiện hành vi vi phạm hợp đồng đã ký kết về đảm bảo yếu tố thị trường cho các sản phẩm gia công./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương