Thúc đẩy khai thác thương mại điện tử trong doanh nghiệp

07:11, 16/11/2017

Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu thế mới trong kinh doanh thay thế dần phương thức kinh doanh cũ với nhiều ưu thế nổi bật như nhanh hơn, rẻ hơn, tiện dụng hơn, hiệu quả hơn và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian… Phương thức kinh doanh này có hiệu quả tích cực với nhiều ngành hàng, trong đó có lĩnh vực nông sản, thực phẩm - một thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chú trọng ứng dụng, khai thác lợi thế TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để giúp doanh nghiệp ứng dụng thành công TMĐT nhằm giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu, đồng thời nắm bắt cơ hội kinh doanh, tăng lượng khách hàng tiềm năng cũng như ổn định, giữ chân khách hàng truyền thống, Sở Công thương đã triển khai đề án “Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định giải pháp bán hàng trực tuyến”.

Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Cty CP Chế biến hải sản Nam Định vẫn chỉ quảng cáo theo lối truyền thống tại hội chợ thương mại Nam Định năm 2017.
Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Cty CP Chế biến hải sản Nam Định vẫn chỉ quảng cáo theo lối truyền thống tại hội chợ thương mại Nam Định năm 2017.

Để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, Sở Công thương đã xác định rõ nguyên nhân khiến các doanh nghiệp hạn chế khi tiếp cận TMĐT như: Phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn ít, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để trang bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT; nguồn nhân lực và công tác đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Một số doanh nghiệp có website nhưng việc xây dựng nội dung cũng như duy trì hoạt động còn hạn chế, chủ yếu mới dừng ở cung cấp thông tin giới thiệu doanh nghiệp, chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tương tác với khách hàng. Bên cạnh đó nhận thức về lợi ích do TMĐT đem lại của các doanh nghiệp chưa rõ ràng. Hơn nữa độ tin cậy về tính pháp lý của các giao dịch điện tử chưa cao, người tiêu dùng còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý, thói quen mua hàng truyền thống. Từ những đánh giá đó, Sở Công thương đã lựa chọn 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản có sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh để hỗ trợ phát triển TMĐT. Đồng thời phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) lựa chọn xây dựng mô hình website mẫu quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến với đầy đủ những tính năng ưu việt nhất sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho phù hợp với xu hướng kinh doanh và điều kiện ứng dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các tính năng cơ bản của website là: Thiết kế, đồ họa và cắt ghép giao diện; chức năng quản lý đơn hàng, sản phẩm, nội dung, khách hàng và tiếp thị giới thiệu sản phẩm mới… Với những tính năng cơ bản này, ngoài việc giúp người dùng dễ dàng thao tác cũng như quản lý những thông tin cần thiết liên quan đến việc quảng bá, xúc tiến giao dịch thương mại cho sản phẩm, các website còn thiết lập một hệ thống thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, thương mại; kết nối, phát huy đuợc các nguồn lực thông tin từ các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tập trung lựa chọn những thông tin quan trọng về xúc tiến thương mại nông sản cũng như những thông tin mang tính phân tích, dự báo cơ hội, cập nhật sát với lợi ích của các đối tượng truy cập và tăng cường tính tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng, từng bước tiến tới thương mại hóa thông tin công nghiệp, thương mại. Không chỉ được hỗ trợ xây dựng website, các doanh nghiệp thuộc đề án còn được tham gia khóa đào tạo nâng cao nhận thức về áp dụng công nghệ trong quản lý bán hàng; hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến và những kỹ năng bán hàng trực tuyến… Anh Trần Văn Vững, Giám đốc Cty CP Đầu tư Nam Phát cho biết: Là chủ đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn như giò, thịt hun khói phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, từ trước đến nay ngoài biện pháp quảng cáo truyền thống, Cty mới chỉ sử dụng cách quảng cáo sản phẩm và thương hiệu của Cty qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo không đòi hỏi cao về quản trị mạng... nên hiệu quả chưa cao và không bền vững. Tuy nhiên do doanh nghiệp mới thành lập, công việc bộn bề lại không nhiều kiến thức về công nghệ mạng nên lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa nghĩ đến việc xây dựng một website riêng cho Cty. Được sự hỗ trợ của Sở Công thương, Cục TMĐT và Kinh tế số đến nay Cty CP Đầu tư Nam Phát đã xây dựng được một website hiện đại. Giám đốc Cty còn được tập huấn nâng cao nhận thức về TMĐT và kỹ năng khai thác hiệu quả website phục vụ cho công việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm của Cty. Đây là công cụ quan trọng để sản phẩm của Cty được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trong cả nước. Một trường hợp khác tham gia thị trường mấy chục năm với sản phẩm chủ lực là nước mắm và các sản phẩm dạng mắm mang thương hiệu Ninh Cơ nhưng đến khi được hỗ trợ tham gia chương trình thương mại trực tuyến do Sở Công thương hỗ trợ, Giám đốc Cty CP Chế biến hải sản Nam Định mới nhận thấy hết vai trò không thể thiếu của TMĐT trong kinh doanh hiện đại. Ngay khi vận hành website, Đồng chí Mai Đức Thịnh, Giám đốc Cty cho biết: Được lựa chọn hỗ trợ xây dựng website đã giúp Cty cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng thông qua chức năng “chat” trực tuyến để giải đáp ngay những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng. Ngoài ra, website của Cty còn cung cấp chức năng chọn hàng, đặt hàng và vận dụng các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng để thanh toán trực tuyến, giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí đi lại cũng như thời gian mua sắm. Những chức năng này thực sự quan trọng với đối tượng khách hàng ở xa hay không thuận tiện trong việc di chuyển. Hơn nữa đây cũng là biện pháp phòng vệ quan trọng trong việc đấu tranh chống lại hiện tượng làm giả, làm nhái sản phẩm của Cty, xây dựng hình ảnh tốt cho doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.

TMĐT giúp các doanh nghiệp thu thập được nhiều thông tin về thị trường, khách hàng và đối tác kinh doanh, giúp các doanh nghiệp có được chiến lược sản xuất, kinh doanh thích hợp với xu thế phát triển của thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Với mục tiêu phát triển TMĐT trở thành cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng và phát triển kinh doanh giai đoạn 2016-2020, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hằng năm Sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai từng bước thúc đẩy TMĐT thông qua hàng loạt các đề án khác nhau như: hỗ trợ tích hợp phần mềm thanh toán trực tuyến, ứng dụng chữ ký số ở một số doanh nghiệp, quảng bá xây dựng thương hiệu, đặt baner doanh nghiệp trên các website uy tín như: www.tuhaoviet.vn, www.vncharm.com, xây dựng sàn giao dịch TMĐT của tỉnh… Tuy nhiên để thực hiện lộ trình này, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng các doanh nghiệp cũng cần chủ động chiến lược đầu tư, vận hành các website thành công. Trong đó tập trung vào các đầu việc: duy trì việc quản trị mạng, quản lý trực tiếp việc đăng tải các thông tin của Cty, chú trọng phương thức quảng bá sản phẩm cũng như có chiến lược tiếp thị tốt thể hiện ngay trên website của đơn vị mình, tự tạo cơ hội tiếp cận khách hàng trên phạm vi toàn cầu, cung cấp ngay những thông tin khách hàng cần, rõ ràng và đầy đủ thông qua các tính năng “chat”, email hay những tính năng thông minh có sẵn trên website./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com